Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Truy cứu hình sự mới đủ sức răn đe

(Dân trí) - Từ tháng 7/2016, việc xử lý hình sự những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ triệt để hơn, bởi thời điểm này Bộ luật hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, các quy định trong luật được đưa ra rõ ràng.

Ngày 28/4/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn II (2012-2015) (Chương trình 168 giai đoạn II -PV).

Đã có những chuyển biến tích cực về chống xâm phạm quyền SHTT

Với vai trò là đại diện cơ quan đầu mối của Chương trình 168 nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Sau một thời gian hoạt động, Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, ở phạm vi quốc gia, Chương trình đã tạo được sự liên kết giữa các bộ/ngành có thẩm quyền thực thi quyền SHTT. Đặc biệt hoạt động hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các bộ/ngành (thông qua cầu nối là Ban Thường trực Chương trình) đã tạo nên dấu ấn rõ rệt, làm cho văn bản pháp lý do các bộ/ngành ban hành hoặc phối hợp ban hành rõ ràng về mặt nội dung, hạn chế được chồng chéo và tạo môi trường minh bạch, hiệu quả hơn cho hoạt động thực thi quyền SHTT.

Trên phương diện quốc tế, thay vì quan điểm về sự phức tạp, đa bộ/ngành trong thực thi quyền SHTT, Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT đã bước đầu tạo dựng được ấn tượng về mối liên hệ và tính thống nhất trong hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ KH&CN, giai đoạn 2 của Chương trình 168, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự)...

Việc xử lý hình sự về vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ thuận tiện hơn

Tại buổi lễ tổng kết, hàng loạt ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan được đưa ra thảo luận nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình 168 thời gian tới.

Các bên liên quan trao đổi về hướng xử lý triệt để vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ
Các bên liên quan trao đổi về hướng xử lý triệt để vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ

Đại diện của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính bày tỏ những khó khăn trong việc giám sát nhãn mác hàng hóa trong quá trình thực thi. Cụ thể, rất nhiều sản phẩm sau khi được nhập khẩu về thì mới dán nhãn mác phụ nên gây khó khăn cho quản lý.

Đại diện của Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) thẳng thắn chia sẻ: Trong thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ thì rất lớn nhưng xử lý hình sự thì ít. Thực tế thì lực lượng còn khá mỏng và cũng chưa hiểu sâu về sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như khi sinh viên của trường cảnh sát hỏi về việc hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ như thế nào thì không phải ai cũng trả lời được một cách chuẩn xác. Bên cạnh đó thì hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự là rất khó khăn.

“Tuy nhiên vào tháng 7 tới thì Bộ Luật hình sự sẽ có hiệu lực, trong luật quy định rất rõ ràng về những trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự. Đây là một sự điều chỉnh cần thiết để lực lượng chức năng có cơ sở để thực thi” – Đại diện này cho hay.

Cục Cảnh sát Kinh tế cũng đề nghị, trong thời gian tới Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động phối hợp với Bộ Công an đối với những vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ có thể truy cứu hình sự. Chỉ có truy cứu hình sự thì mới có đủ sức để răn đe.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm