Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ: Gánh nặng lớn Việt Nam phải đối mặt!

(Dân trí) - Tham gia vào TPP vừa mở ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi chúng ta là thành viên kém phát triển nhất trong nhóm. Bên cạnh đó, cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP là gánh nặng lớn vượt bậc đối với Nhà nước Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Việt Thanh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là yêu cầu của Hiệp định TRIPs.

Rất nhiều doanh nghiệp bị xử lý liên quan đến vi phạm SHTT trong thời gian gần đây
Rất nhiều doanh nghiệp bị xử lý liên quan đến vi phạm SHTT trong thời gian gần đây

Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ...

Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp.

“Để đạt mục tiêu thì bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ thì sự tham gia tích cực và chủ động của các chủ thể quyền đóng vai trò hết sức quan trọng.” – Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tham gia vào TPP vừa mở ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi mà Việt Nam là thành viên kém phát triển nhất trong các nước thành viên TPP. Cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP là gánh nặng lớn vượt bậc đối với Nhà nước Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt

Khi tham gia vào TPP Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đó là dùng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ làm công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.

Trong đó, Nhà nước chú trọng việc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội để một mặt bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo của tổ chức, cá nhân, mặt khác coi trọng lợi ích của toàn dân.

Hiện nay việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi các cơ quan: Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra, Cảnh sát kinh tế thông qua các biện pháp xử lý xâm phạm hành chính, tùy từng năm số tiền xử phạt là rất lớn. Riêng năm 2015, các cơ quan thực thi đã xử lý 5247 vụ với tổng số tiền nộp phạt là gần 78 tỷ đồng về hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,khởi tố hình sự 113 vụ với 145 bị can. Song trên thực tế thì tình hình xâm phạm quyền không có thay đổi đáng kể, vẫn là nỗi lo của xã hội và sự trăn trở của cơ quan nhà nước.

Do vậy, ngoài việc phải tăng cường năng lực của cơ quan thực thi như vẫn nhấn mạnh từ trước đến nay thì việc nâng cao vai trò của Tòa án trong quá trình xét xử các hành vi xâm phạm quyền là nhân tố quan trọng để hoạt động thực thi đáp ứng các đòi hỏi của TPP. Trong năm 2015, các Tòa án nhân dân trên cả nước thụ lý 4 vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong đó xét xử 3 vụ và 1 vụ trả hồ sơ cho Viện kiểm sát.

Nguyễn Hùng