1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

“Đánh thức” doanh nghiệp trong vấn đề Sở hữu trí tuệ

(Dân trí) - “Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” – Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cảnh báo các doanh nghiệp về hội nhập sâu TPP và FTA sắp tới.

Ngày 20/4, Bộ Khoa học và Công nghệ ( KH&CN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và tổ chức Liên minh Phần mềm (BSA) đã tổ chức Tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”.

Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”. Nội dung của Tọa đàm tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến những cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam trong Hiệp định TPP.

Sở hữu trí tuệ: Quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh

Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng
Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, quyền Sở hữu trí tuệ ngày nay đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ về công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho hay: Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính. Từ năm 2006 – 2015, Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8.613.000.000đ.

“ Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó là thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT" - Ông Minh bày tỏ.

Cơ hội và thách thức khi tham gia TPP

Tại buổi Tọa đàm, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông John Hill đã chia sẻ những cơ hội và lợi ích lớn mà TPP sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cho cả nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Theo ông John Hill, TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích hữu hình. Cụ thể, nhờ thuế xuất nhập giảm mà sẽ đem lại những lợi ích trực diện nhất, đặc biệt khi Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Mỹ.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Mặc dù Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi tham gia TPP nhưng ông John Hill cho rằng, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất cao. Khi vào TPP, với sức ép phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn về sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một sức ép lớn cho các doanh nghiệp, buộc các các doanh nghiệp phải tuân thủ khi đã bước vào một sân chơi kinh tế tự do lớn nhất thế giới.

Nguyễn Hùng