Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015:

Vinh danh công trình "Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự 12418"

(Dân trí) - "Từ việc làm chủ công nghệ đóng tàu, áp dụng hiệu quả các sáng kiến, các phương án công nghệ tối ưu... Chúng tôi, những người lính Ba Son đã có thể đóng thành công những chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh do chính Việt Nam sản xuất." Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Son, Trưởng ban Quản lý Dự án cho biết.

Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự 12418

Trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt 2015, Công trình: “Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự 12418” của nhóm tác giả: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Mạnh Lân- Phó TGĐ Công ty Ba Son, Tổng cụ Công nghiệp Quốc phòng; Đại tá, Kỹ sư Cao Mạnh Vân, Phó TGĐ tổng Cty Ba Son, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng và các cộng sự đã được vinh danh với giải thưởng trong lĩnh vực KHCN.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam trao giải cho tác giả đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam trao giải cho tác giả đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ.

Tinh thần người lính Ba Son vượt mọi trở ngại

Có mặt tại Xí nghiệp đóng tàu M (thuộc Tổng công ty Ba Son) vào một ngày giữa trưa tháng 11/2015, Đại tá Nguyễn Mạnh Lân chỉ tay vào 2 chiếc tàu tên lửa phản ứng nhanh đang đóng mới và vui mừng cho biết: "Đây là 2 chiếc tàu cuối cùng trong chương trình đóng 6 tàu M (Tàu tên lửa theo thiết kế 12418) để bàn giao cho quân chủng Hải Quân Việt Nam vào giữa năm 2016. Dự kiến cặp tàu thứ 3 này sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm sau, vượt mức thời hạn dự kiến bàn giao trước đó lên đến 6-8 tháng, tiết kiệm nhiều tỷ đồng."

Đại Tá Nguyễn Mạnh Lân bên cặp tàu M thứ 3 đang đóng mới
Đại Tá Nguyễn Mạnh Lân bên cặp tàu M thứ 3 đang đóng mới

Nói rõ hơn, Đại Tá Nguyễn Mạnh Lân cho biết: "Từ khi được giao nhiệm vụ Trưởng Ban điều hành Dự án đóng tàu "M", ngay từ khi bắt đầu đi tiếp nhận Li-xăng ở Liên Bang Nga, cho đến quá trình thực hiện đóng mới Tàu "M" tại Ba Son, tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định từng nội dung, từng phần việc và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Sau những ngày dài miệt mài làm việc, tiếp nhận các công nghệ từ Liên Bang Nga, chúng tôi đã làm chủ thiết kế, công nghệ và quá trình đóng mới tàu M tại Ba Son. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đào tạo ra được một lứa thợ tay nghề cao, phục vụ cho việc đóng mới tàu M. Đặc biệt, chúng tôi đã sáng tạo đề xuất sử dụng các trang thiết bị, phương tiện hiện có để chế tạo các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm nhưng lại đa dụng có thể dùng cho các sản phẩm khác. Tất nhiên phải đảm báo chất lượng, tiết độ, thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí."

Minh chứng rõ ràng nhất có thể thấy đó là 4 chiếc tàu M trước đó đã được bàn giao cho Hải Quân Việt Nam. Đây là những loại tàu chiến cao tốc hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam.

Mô hình thu nhỏ tàu M
Mô hình thu nhỏ tàu M

Tàu M có tính cơ động cao, hỏa lực mạnh, có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không và trên biển, thuận lợi trong tấn công, phòng thủ và cũng chính vì vậy sản phẩm được tích hợp rất nhiều giải pháp thiết kế cũng như công nghệ hiện đại. Việc đóng tàu phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các bước công nghệ, phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nhà thiết kế.

Cặp tàu M thứ 3 đang được đóng tại xí nghiệp
Cặp tàu M thứ 3 đang được đóng tại xí nghiệp

"Theo Công nghệ chuyển giao thân vỏ tàu được gia công và đấu ráp lần lượt theo nguyên tắc hình tháp từ gần 140 phân - tổng đoạn. Việc này không phù hợp với thực tế của Ba Son, do thuộc diện di dời nên Ba Son không được đầu tư trang thiết bị cho ngành đóng tàu như bạn nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt từng bước các yêu cầu kĩ thuật. Do đó, chúng tôi đã quyết định chuyển thành 6 tổng đoạn vỏ lớn và 8 tổng đoạn cabin." Đại tá Nguyễn Mạnh Lân cho biết.

Với việc chuyển thành 6 tổng đoạn vỏ lớn và 8 tổng đoạn cabin, những người thợ của Ba Son đã phải gia công ở một nơi, sau đó chuyển đến xí nghiệp ở Nhà Bè cách đó khoảng 20Km bằng đường bộ và đường thủy để lắp ráp con thành con tàu. Sau khi đã hoàn thành, sẽ hạ thủy xuống nước rồi kéo về lại Ba Son để đồng bộ và hoàn thiện.

Tàu được gia công một nơi sau đó chuyển về xí nghiệp tại Nhà Bè cách đó khoảng 20Km để lắp ráp
Tàu được gia công một nơi sau đó chuyển về xí nghiệp tại Nhà Bè cách đó khoảng 20Km để lắp ráp

“Việc này khó và yêu cầu độ chính xác cao hơn nhưng vẫn đảm bảo theo nguyên tắc công nghệ chuyển giao và sẽ cho sản phẩm là thân vỏ có độ trơn nhẳn ít biến dạng đẹp hơn - đây cũng là yếu tố đảm bảo tốc độ của tàu trong quá trình khai thác sử dụng sau này, việc này cũng cho phép cùng một thời điểm có thể triển khai ở nhiều vị trí nên góp phần rút ngắn tiến độ. Tính chung cho chương trình đóng 6 tàu M, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn 6-8 tháng so với kế hoạch trên giao, dự kiến tiết kiệm khoảng 350 tỷ đồng." Đại Tá Nguyễn Mạnh Lân chia sẻ thêm.

Cái khó… “ló” cái khôn!

Ba Son đang thuộc diện di dời nên từ những năm 1992, Ba Son không được đầu tư các thiết bị. Trước đó Ba Son cũng đã đầu tư một số trang thiết bị công nghệ theo chương trình ĐT 02.

Tuy là vậy nhưng việc đóng tàu mới M phải cần mua theo yêu cầu Li-xăng, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ chuyên dụng như nước bạn. "Chúng ta không thể đầu tư dàn máy móc thiết bị như Bạn đã có trong dây chuyền công nghệ chuyên dụng đóng tàu chiến theo Li- xăng chỉ để đóng tàu chiến xong đắp chiếu để đấy. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng tối đa cái hiện có và đầu tư, chế tạo các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm nhưng lại đa dụng có thể dùng cho các sản phẩm khác. Do đó, tôi đã chỉ đạo và động viên anh em phát huy sáng kiến trong việc sử dụng các thiết bị có sẵn hoặc nghiên cứu chế tạo các thiết bị khác dùng trong quá trình đóng tàu". Đại tá Nguyễn Mạnh Lân nói.

Các kỹ sư của Ba Son đang dùng thiết bị Easy laser
Các kỹ sư của Ba Son đang dùng thiết bị Easy laser

Điển hình như việc mua thiết bị Easy laser để lắp ráp cơ khí và lắp các mặt phẳng chuẩn đảm bảo chính xác cao thay thế cho thiết bị khác chuyên dụng (lẽ ra là cần mua theo yêu cầu của Li-xăng giá khoảng 250.000 USD) để chỉ dùng được cho việc xác định chuẩn của loạt tàu này. Hay với việc chế tạo thiết bị hàn tự động Titan, thiết bị gia công ống di động, thiết bị vệ sinh các phin lọc dầu nhớt, thiết bị thử tải cho các trang bị đặc chủng... Việc này góp phần đảm bảo chất lượng, tiết độ, thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí.

Hàn Titan yêu cầu độ chính xác tuyệt đối và không có sai sót xảy ra
Hàn Titan yêu cầu độ chính xác tuyệt đối và không có sai sót xảy ra

Dẫn chúng tôi đến xưởng hàn tự động Titan, nhìn những người thợ của Ba Son đang tỉ mỉ sắp xếp những đường ống dẫn bằng Titan và bắt đầu hàn, Đại tá Nguyễn Mạnh Lân nói: "Tôi rất tự hào về những thợ, người lính của Ba Son, những đôi bàn tay khéo léo và tài hoa. Ngày trước khi được lựa chọn và đưa đi học tập ở Nga, những chuyên gia nước bạn khi bắt tay với thợ mình thì nói rằng: Tay chân thợ mình bé và mềm thế này thì làm sao mà làm được. Tuy nhiên, từ khi được giao việc và thợ mình hoàn thành. Các chuyên gia nước bạn phải trầm trồ khen ngợi."

Cũng theo Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, sau khi hoàn thành cặp tàu đầu tiên, các kỹ sư Nga sang để nghiệm thu và phải thốt lên rằng: "Đã lâu rồi, chúng tôi không gặp lại những sản phẩm được tuân thủ chặt chẽ theo các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ như thời Xô Viết cũ."

Một số hạng mục trong tàu được sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm chi phí nhưng chất lượng tương đương và tốt hơn
Một số hạng mục trong tàu được sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm chi phí nhưng chất lượng tương đương và tốt hơn

Trong việc đóng tàu M, Tổng Công ty Ba Son cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến đầy sáng tạo trong những hạng mục từ nhỏ đến lớn, phù hợp với điều kiện ở nước ta. Trong đó, phải kể đến việc sử dụng vật tư ván ép sản xuất trong nước thay thế ván ép panel 3 lớp nhập khẩu (với yêu cầu phải có thiết bị và phương pháp gia công chuyên dụng). Nhờ đó mà các tàu của Tổng công ty Ba Son đóng không cần nhập thiết bị công nghệ gia công chuyên dụng có giá thành cao của nước bạn nhưng vẫn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật nghiêm ngặt được đưa ra. Hay chẳng hạn như việc sử dụng lưới làm bằng sợi Polypropylene có tại thị trường trong nước để chế tại lưới lọc khí hệ thống hút gió máy chính; thay thế các trang thiết bị trinh sát, phát hiện tác nhân phóng xạ, thiết kế và bố trí lại trang thiết bị nhà bếp trên tàu...

"Những phương án thay thế với các vật tư trong nước tương đương hoặc tốt hơn một số loại vật tư ngoại nhập đã giúp cho chung tôi chủ động nguồn nguồn cung ứng vật tư, từ đó làm chủ công nghệ trong đóng mới, sửa chữa sau này và tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho dự án." Đại tá Nguyễn Mạnh Lân nhấn mạnh.

Với việc làm chủ công nghệ đóng mới tàu M, BTC giải thưởng Nhân tài Đất Việt quyết định vinh danh công trình "Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự 12418" của nhóm tác giả: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Mạnh Lân - Phó Tổng giám đốc Công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Đại tá, Kỹ sư Cao Mạnh Vân, Phó TGĐ Tổng Công ty Ba Son, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng và các cộng sự.

Tàu tên lửa theo thiết kế 12418 (ký hiệu - tàu M) do viện AJIMA3 thiết kế là loại tàu chiến tiến công nhanh, có nhiều đặc tính ưu việt.

Tàu có chiều dài lớn nhất thân tàu 56,90 m, chiều rộng lớn nhất thân tàu là 13 m. Hệ thống tuabin chính M15Э.1 với công suất 17.420 KW (23700 ml) có thể đảm bảo cho tàu vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ, lượng giãn nước lớn nhất 563 tấn.

Tàu hoạt động liên tục trên biển 10 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 4-5, tầm hoạt động tối đa 2.400 hải lý.

Trên tàu được trang bị các vũ khí, khí tài chủ yếu, gồm: Tổ hợp tên lửa YHAH-Э; Pháo đối không, đối hải AK-176M; Pháo tự động AK-630M; Tên lửa phòng không vác vai, Tổ hợp Ra da cảnh giới; Tổ hợp ra đa điều khiển tên lửa...

Quốc Phan - Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm