Viettel: Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Viettel là một trong những tập đoàn công nghệ đã phá bỏ rào cản với nữ giới khi tạo điều kiện để phụ nữ phát huy sức mạnh. Điều này giúp Viettel có được những "nữ chiến binh" với nhiều công trình công nghệ bứt phá.

"Mỗi phút giây ngoái đầu nhìn lại sẽ ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Trong thế giới hiện tại và tương lai, chúng ta phải cùng nhau tiến lên hoặc sẽ không là gì cả", cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton chia sẻ thông điệp truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Thống kê của Editor's Choice cho thấy, phụ nữ hiện nắm 26,7% công việc liên quan đến công nghệ. Các công ty công nghệ với hơn 10.000 nhân viên báo cáo tỷ lệ đại diện của phụ nữ là 26,2%. Theo Zippia.com, có 26,5% vị trí điều hành, các vị trí cấp cao và quản lý trong các công ty S&P 500 do phụ nữ nắm giữ.

Tại Việt Nam, một trong những doanh nghiệp công nghệ tiên phong trong việc phá bỏ rào cản với nữ giới là Tập đoàn Viettel. Đưa ra những bài toán khó, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy sức mạnh, Viettel đã có được những "nữ chiến binh" với nhiều công trình công nghệ bứt phá.

Chinh phục những công nghệ khó trên thế giới

Năm 2013, khi Big Data vẫn là một từ khóa mới trên toàn thế giới, chị Nguyễn Trần Ngọc Linh được giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ này để giải quyết những bài toán liên quan đến dữ liệu viễn thông - nhóm dữ liệu phát sinh từng ngày với quy mô và tính chất phức tạp.

Với cô gái trẻ, được giao trọng trách này, Linh mừng vui nhưng lo lắng cũng không hề nhỏ. Bởi vào thời điểm đó, lĩnh vực Big Data còn quá mới, trên thế giới cũng ít công ty nghiên cứu. Đã vậy, Ngọc Linh còn thử thách với công nghệ mới trong xử lý dữ liệu lớn lúc bấy giờ là Apache Spark. Đây là công cụ cho phép người dùng xây dựng nhanh các mô hình dự đoán và cùng lúc thực hiện tính toán song song trên nhiều máy tính, hỗ trợ xử lý dữ liệu trên quy mô lớn.

"Viettel có rất nhiều bài toán mới và khó. Đây là môi trường giúp mình nghiên cứu và sáng tạo", Linh nói.

Với tinh thần không khuất phục, sự gan lì của bản thân cùng sự động viên của sếp và đồng nghiệp, cô kỹ sư ngày đó giờ đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, Tổng công ty Viễn thông Viettel.

Gia tài của Linh giờ đây là nhiều dự án quan trọng đã 'tham chiến' như Viettel Data Lake - hệ thống cho phép lưu trữ và xử lý lượng dữ liệu rất lớn mà các hệ thống lưu trữ truyền thống không có khả năng đáp ứng, Viettel Realtime Big Data Platform - hệ thống xây dựng trên nền tảng xử lý và phân tích dữ liệu lớn thời gian thực, cho phép tổng hợp và phân tích hành vi tiêu dùng của khách hàng viễn thông trên nhiều chiều,…

Kết hợp với các mô hình thuật toán học máy, nghiên cứu của chị và đồng nghiệp đã đưa ra khuyến nghị về kinh doanh trong viễn thông, quảng cáo thương mại điện tử, giải quyết nhiều bài toán của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Peru, Myanmar.

Về hành trình tại Viettel, chị Linh chia sẻ: "Viettel là câu chuyện về nhiều đêm không ngủ, không về nhà của những con người đang mải mê tìm hiểu công nghệ cho các dự án mới".

Viettel: Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - 1
Chị Nguyễn Trần Ngọc Linh (ở giữa) cùng các đại sứ Women in Data Science (Ảnh: Viettel).

Tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực AI - lĩnh vực có sức hút trong giới công nghệ hiện nay, kỹ sư giải pháp công nghệ, Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) Vũ Thị Hạnh theo đuổi bài toán về thị giác máy tính. Mục tiêu là giúp máy tính có được khả năng nhìn và hiểu giống như con người.

Đây là một phương pháp sử dụng hình ảnh và video để hiểu về thế giới thật thông qua các mô hình học máy, học sâu và các thuật toán xử lý ảnh,... Thị giác máy tính có ứng dụng thực tế rộng rãi và hữu ích, nhất là trong việc xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam.

"Là một trong những kỹ sư đầu tiên khi nhóm mới thành lập, thách thức mình gặp phải chủ yếu từ việc định hướng công nghệ sẽ phát triển, định hướng sản phẩm, điều tra thị trường, tìm kiếm nhân lực và xây dựng nhóm. Khởi đầu mới hoàn toàn, mình bắt đầu tìm hiểu về các dự án xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, ứng dụng các sản phẩm về camera AI trong cuộc sống. Ban đầu, số lượng bài toán rất nhiều mà nhân lực ít, phân bố các bài toán nhỏ lẻ, chưa có hệ thống, dữ liệu không tập trung, rải rác khiến cho việc thu thập dữ liệu và giải quyết các bài toán rất khó khăn", chị Hạnh chia sẻ.

Áp lực về công nghệ, chạy đua về thời gian, thiếu thốn về nhân lực, song song là những thử nghiệm không thành công… nhưng bằng sự kiên trì và nỗ lực của tập thể, nhóm của Hạnh đã đạt được những kết quả nghiên cứu đầu tiên khả thi.

Đến nay, các sản phẩm ứng dụng thực tế do chị Hạnh và đồng đội phát triển rất đa dạng và hiệu quả, với các chỉ số chính xác tiệm cận thế giới. Có thể kể đến giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), trích xuất thông tin giấy tờ tùy thân (OCR) với độ chính xác hơn 99%; giám sát an ninh thông minh với công nghệ AI nhận dạng hành vi con người, phát hiện người và theo vết người từ video với độ chính xác trên 95%. Công nghệ giám sát an ninh đang áp dụng vào các bài toán thực tế như phát hiện hành vi xâm nhập trái phép, đám cháy và khói, đám đông tụ tập,…

Viettel: Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - 2
Chị Vũ Thị Hạnh (áo đỏ) cùng đồng nghiệp tại Trung tâm không gian mạng Viettel (Ảnh: Viettel).

Khám phá những bí mật, làm chủ và độc quyền công nghệ mới

Nói về những ngày làm dự án "Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến", chị Hồ Thị Xuân Hòa chia sẻ vẫn nhớ đến câu nói: "To be or not to be" (tồn tại hay không tồn tại). Bởi nếu không sớm tìm ra phương án, trạm thiết bị của Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao (VHT) có nguy cơ bị nhổ khỏi mạng lưới và không được sản xuất các lô tiếp theo. Nếu thành công, nghiên cứu sẽ trở thành một trong những bí mật công nghệ lớn mà trên thế giới chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp làm được.

Và rồi nhóm tác giả của chị Xuân Hòa vỡ òa trong hạnh phúc khi dự án không chỉ thành công, mà đơn đăng ký sáng chế của nhóm còn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ độc quyền từ USPTO (Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ). Nghiên cứu này đã góp phần giúp Viettel mất 6 tháng để phát triển mạng 5G - so với thời gian 4-5 năm để phát triển mạng 4G trước đó. Viettel không chỉ chứng minh được khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn có cơ hội khai thác tạo ra giá trị kinh tế tại Việt Nam và 10 thị trường đang khai thác.

Viettel: Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - 3
Chị Hồ Thị Xuân Hòa đồng tác giả của sản phẩm "Made in Viettel" được cấp bằng độc quyền từ USPTO - Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (Ảnh: Viettel).

Một nữ "chiến binh" khác tại VHT là Ngô Thị Hường - đồng tác giả của sáng chế "Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng" được cấp bằng độc quyền tại Mỹ vào tháng 8/2021.

Từ cuối năm 2016, team ăng-ten của Hường nhận nhiệm vụ thiết kế bộ ghép lai có thể dùng cho bộ chia mặt phẳng đứng các đài radar 3D. Bộ ghép lai thông thường có băng thông hẹp, cổng tổng, cổng hiệu không cùng phía với nhau, không đáp ứng được dải tần hoạt động của hệ thống. Do đó, nhóm của Hường cần sử dụng những kỹ thuật mới để tăng băng thông cho bộ ghép lai mà vẫn bảo đảm kích thước nhỏ gọn.

Sau khi đã giải quyết được bài toán kỹ thuật, Hường và đồng nghiệp đối mặt với vấn đề khi bộ ghép lai có 2 cổng khác hướng, dẫn đến khó khăn trong việc thiết kế tổng thể sản phẩm. Từ thực tiễn đó, bộ ghép lai có cổng tổng, hiệu đồng hướng, được nghiên cứu và hoàn thiện vào năm 2017. Hường cho rằng, chỉ cần nghiêm túc đầu tư thời gian, công sức và cống hiến hết mình, thành tựu chắn chắn sẽ xuất hiện.

Viettel: Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - 4

Ngô Thị Hường, bóng hồng hiếm hoi công tác tại Trung tâm Radar, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel (Ảnh: Viettel).

"Để phụ nữ được sáng tạo và đạt thành tựu trong công việc, chúng tôi đã đồng hành và truyền thêm động lực cho họ. Khi tự tin vào giá trị bản thân, phụ nữ sẽ tìm ra sức mạnh của chính mình", đại diện Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.