Viettel OCR- lời giải cho "tự động hóa" dữ liệu( Phần 2)

Trường Thịnh Bài và ảnh: Lan Hương

(Dân trí) - Giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian nhập liệu so với cách làm thủ công, độ chính xác đạt đến 99% - đó là những kết quả đã được xác thực khi áp dụng Viettel OCR trong các ngành Tài chính - Ngân hàng, Bảo hiểm, Y tế, GTVT,...

Đầu năm 2021 - OCR đồng hành giải quyết bài toán khó cho ngành Dược

Công nghệ số không chỉ dừng lại ở công nghệ mà nó đang làm thay đổi cách thức vận hành ở cấp độ căn bản tại một tổ chức. Đầu năm 2021, Viettel OCR khởi động một dự án có tính đặc thù trong một ngành đặc biệt - đó là Y TẾ. Với lượng dữ liệu siêu khủng, yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt và tri thức ngành cao, Viettel OC đang tham gia vào quy trình đăng ký lưu hành thuốc (tại Cục Quản lý Dược) và quy trình đăng đăng ký công bố/đăng ký quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (tại Cục An toàn thực phẩm).

Trước khi sử dụng Viettel OCR, Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận xử lý các hồ sơ ở dạng bản cứng, doanh nghiệp cần đặt lịch hẹn và nộp trực tiếp tại trụ sở. Ít ai biết Cục quản lý Dược đã từng phải sử dụng nhiều phòng làm việc chỉ để lưu trữ số lượng giấy tờ khổng lồ đó. Thời gian xử lý hồ sơ kéo dài gây tốn kém về nhân lực và thời gian.

Ứng dụng vào thực tế, Viettel OCR tham gia số hóa các hồ sơ đăng ký thuốc tại Bộ phận một cửa bằng cách kiểm tra tính thống nhất và tính đúng đắn của hồ sơ, hỗ trợ các chuyên gia thẩm định giấy tờ pháp lý, dược lý như: mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, hồ sơ kỹ thuật và theo dõi các quy định liên quan đến việc đáp ứng điều kiện kinh doanh thuốc (GMP, CPP, GLP,…). Thông tin được đối chiếu tự động từ Đơn đăng ký đến tài liệu chứng minh, từ đó cảnh báo các trường hợp sai lệch, không trùng khớp.

Giai đoạn 2, Viettel OCR rà soát, thẩm định 35 loại hồ sơ với các định dạng khác nhau và gần 60 trường thông tin sẽ được trích xuất, tạo hệ thống thông tin điện tử (metadata) hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm, chỉnh sửa và lưu trữ. Ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ hỗ trợ kết quả trả về đúng ngữ nghĩa hơn và có thể kết nối với kho thông tin biệt dược gốc đồ sộ.

Kết quả thu được thật ấn tượng: tốc độ nhập liệu của OCR cao hơn 50-60 lần so với cách làm thủ công; những căn phòng giấy tờ giờ thu gọn trong một vài máy chủ; nhu cầu duy trì tài liệu giấy gần như không còn, số giờ lao động tiết kiệm được là không hề nhỏ, độ chính xác ngày càng cao với cơ chế huấn luyện học máy.

Nói về lợi ích khi ứng dụng giải pháp Viettel OCR, ông Hoàng Trung Hiếu - Giám đốc sản phẩm chia sẻ: "Các tài liệu trong bộ hồ sơ đăng ký đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó ngôn ngữ là một rào cản đáng kể trong quá trình thẩm định hồ sơ. Việc chuyển đổi các tài liệu trong hồ sơ sang dạng văn bản có thể chỉnh sửa, tìm kiếm được giúp các chuyên viên dễ dàng dịch và tra cứu thông tin".

Viettel OCR- lời giải cho tự động hóa dữ liệu( Phần 2) - 1
Ông Hoàng Trung Hiếu - Giám đốc sản phẩm Viettel OCR.

Không chỉ cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tham gia và các quy trình đăng ký là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong việc chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thực hiện các việc thủ công có tính chất lặp đi lặp lại thay con người. Viettel OCR giúp nâng cao trải nghiệm của các doanh nghiệp, mang đến sự chuyên nghiệp, hạn chế những cảm xúc tiêu cực trong giao tiếp giữa người - người; mọi giao tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ được thực hiện và lưu trữ trên hệ thống. Viettel OCR- Phần 1.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm