Viettel công bố thương mại hóa trạm 5G công nghệ mới
(Dân trí) - Đây là trạm phát sóng đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Qualcomm do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu và phát triển.
Sáng 13/11, Viettel High Tech đã tổ chức sự kiện "5G Open Ran Connect 2024", nhằm thảo luận về xu hướng công nghệ đang được cộng đồng viễn thông thế giới quan tâm chính là Open RAN.
Đồng thời, Viettel đã công bố triển khai thương mại diện rộng trạm phát sóng 5G Open RAN mang thương hiệu "Make in Vietnam, Made by Viettel".
Dự kiến, đầu năm 2025, Viettel sẽ triển khai và phát sóng thử nghiệm trạm 5G Open RAN tại một số tỉnh thành, tiến tới bao phủ toàn quốc và hướng ra quốc tế.
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề như: Hiện trạng và xu hướng toàn cầu của Open RAN; vai trò của Open RAN trong lộ trình chuyển đổi từ 5G đến 6G. Nhiều vấn đề đã được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích và đưa ra hướng giải pháp.
Giám đốc về Chính sách của GSMA tại châu Á - Thái Bình Dương, bà Jeanette Whyte chia sẻ: "Ngày càng có nhiều nhà mạng triển khai Open RAN, đây sẽ là xu hướng trên thế giới. Open RAN giúp các quốc gia và các nhà mạng chuyển đổi mạng lưới của mình. Công nghệ này tách rời phần cứng và phần mềm để giúp các nhà mạng linh hoạt chọn đối tác và giảm giá thành đầu tư".
Tuy nhiên, Open RAN cũng đối mặt với không ít rào cản như cần có một hành lang pháp lý, mức độ tích hợp vào hệ thống, độ tin cậy… Các chuyên gia đồng tình rằng, để có thể giải quyết những thách thức, không thể làm trong "một sớm một chiều" mà cần phải có những quy trình cụ thể; đặc biệt là sự phối hợp của các quốc gia.
Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech), ông Nguyễn Vũ Hà cho biết: "Giải pháp 5G Open RAN của Viettel đã đạt đến mức độ thương mại hóa sau quá trình phát triển và thử nghiệm nghiêm ngặt.
Điều này có được nhờ sự hợp tác giữa Viettel High Tech và Qualcomm Technologies đã giúp cả hai bên rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm trong nhiều năm. Hợp tác này giúp hai bên cung cấp các giải pháp 5G chất lượng cao, chi phí hiệu quả cho thị trường quốc tế và xây dựng một hệ sinh thái bền vững".
Hơn 500 kỹ sư đầu ngành của hai tập đoàn cùng tham gia phát triển sản phẩm. Các kỹ sư của Viettel đảm nhiệm việc thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, phần cứng. Trong khi Qualcomm đảm nhiệm các hạng mục về chipset 5G.
Không chỉ triển khai diện rộng tại Việt Nam từ đầu năm 2025, sản phẩm này cũng sẽ được hai bên triển khai tới các khách hàng quốc tế từ năm 2025. Điều này sẽ giúp thế giới biết đến sự phát triển công nghệ của Việt Nam, nâng cao uy tín của đất nước trong sản xuất thiết bị viễn thông 5G.