Việt Nam vẫn chưa là thị trường trọng điểm của Apple
(Dân trí) - Mặc dù hai nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam sẽ được nhập khẩu iPhone, iPad chính hãng nhưng thị trường Việt vẫn không có bất cứ thay đổi gì trong bảng xếp hạng các thị trường quan trọng của Apple.
Ngày 25/8, FPT Shop đã chính thức công bố họ sẽ được nhập khẩu chính thức các sản phẩm Apple chính hãng. Đồng thời, nhà bán lẻ Thế giới Di động cũng sẽ là đơn vị thứ 2 được nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm Apple chính hãng.
Theo như chia sẻ của các nhà bán lẻ trên, việc nhập khẩu trực tiếp lần này chỉ được bán lẻ đến thẳng tay người tiêu dùng mà không được phép phân phối đến bất cứ một đơn vị nào khác.
Như vậy, với sự gia nhập của 2 nhà bán lẻ lớn sẽ giúp cho thị trường sôi động hơn rất nhiều và nguồn hàng chính hãng bớt khan hiếm, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với dòng sản phẩm chính hãng.
Bởi trước đây, các sản phẩm iPhone, iPad chính hãng đang được phân phối đến người tiêu dùng phụ thuộc khá nhiều vào kênh phân phối chính là FPT Trading và 2 nhà mạng lớn. Trước khi có sự kí kết trên, cả hai nhà bán lẻ lớn đều phải nhập nguồn hàng từ FPT Trading và theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà phân phối trên sẽ "cân đo đong đếm" để chia sẻ số lượng sản phẩm đến từ các nhà bán lẻ cho đủ lượng hàng nhập về. Chính điều này đã "bó hẹp" lại thị trường và số lượng sản phẩm thiếu hụt so với nhu cầu mà người dùng quan tâm.
Tuy hai hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam được nhập khẩu trực tiếp nhưng nó vẫn chỉ ở mức độ chủ động ở nguồn hàng và chưa có bất cứ sự tác động nào đến việc thay đổi vị thế của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác.
Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng bộ phận truyền thông của Thế giới Di động (TGDĐ) cho biết: "Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa TGDĐ và Apple, giúp chúng tôi chủ động nguồn hàng hơn. Nhưng điều này chưa thể nói lên được sẽ thay đổi vị thế xếp hạng của Việt Nam trên bản đồ thế giới của Apple trong ngày một ngày hai. Tuy vậy, những hợp tác lần này cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện vị trí xếp hạng và đưa Việt Nam trở thành những thị trường trọng điểm của Apple thông qua những con số cụ thể về sức mua... Tất nhiên, phải cần thời gian dài để đánh giá và chứng tỏ sức hút mãnh liệt của thị trường này."
Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc chuỗi hệ thống FPT Shop cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: "Vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới của Apple vẫn không có bất cứ sự thay đổi tính tới thời điểm hiện nay. Việt Nam vẫn là thị trường xếp vào nhóm thứ 3 trong hệ thống bán hàng của Apple, thị trường trọng điểm nhất ở nhóm 1 vẫn là Mỹ, Nhật và Trung Quốc... Kế đến là nhóm 2 có sự góp mặt của các thị trường như Úc, Hồng Kông hay Singapore... Việc hợp tác lần này chỉ ban đầu giúp cho chúng tôi chủ động được nguồn hàng hóa và qua đó giúp người dùng tiếp cận sản phẩm chính hãng với giá tốt hơn."
Như vậy có thể thấy rằng, việc hợp tác của hai nhà bán lẻ lớn chỉ giúp cho nguồn hàng được dồi dào hơn cho thị trường Việt. Trong khi đó, vị thế trên thị trường của Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào thì việc được nhập khẩu các sản phẩm mới trước các thị trường trọng điểm là điều vẫn không thể xảy ra.
Cụ thể hơn, theo những chu kỳ phát hành sản phẩm mới của Apple, những thị trường đầu tiên có sản phẩm đều là đi từ cấp độ từ trên xuống, từ các thị trường ở cấp độ 1, rồi mới đến các thị trường ở cấp độ 2 và 3. Như vậy, với thông tin một sản phẩm iPhone mới, chẳng hạn là iPhone 6S ra mắt trong tháng 9 thì việc phân phối sớm đến thị trường Việt Nam vẫn phải sau các thị trường lớn.
Tuy vậy, việc gia nhập sân chơi của hai nhà bán lẻ lớn lần này sẽ giúp cho người dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tốt hơn, qua đó đẩy lùi nạn lừa bán iPhone xách tay rởm mang mác chính hãng và dần dần cải thiện được vị thế của thị trường Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Quốc Phan