Thị trường Apple Việt có thêm 2 nhà bán lẻ nhập khẩu trực tiếp
(Dân trí) - Một nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam bất ngờ công bố việc nhập khẩu trực tiếp từ Apple chính hãng và phân phối đến người dùng với những chính sách nghiêm ngặt mà Apple đưa ra. Chính điều này đã thúc đẩy sự cạnh tranh quyết liệt hơn và sôi động hơn rất nhiều trong thời gian tới.
Mặc dù thông tin về Apple sẽ mở văn phòng tại Việt Nam vẫn chưa được công bố và chưa được thừa nhận từ phía đại diện Apple nhưng tính đến thời điểm này, thị trường Việt đã có sự thay đổi khá lớn trong việc phân phối sản phẩm Apple tại Việt Nam.
Trước đây Apple chỉ phân phối các sản phẩm Apple tại Việt Nam thông qua nhà phân phối chính thức được ủy quyền của hãng là FPT Trading và 2 nhà mạng Viettel và VinaPhone. Trong đó, nhà phân phối được ủy quyền FPT Trading được chỉ định phân phối các sản phẩm Apple đến các kênh các bán lẻ khác tại Việt Nam. Còn lại 2 nhà mạng lớn chỉ được bán sản phẩm do chính kênh mình phân phối ra thị trường.
Tuy nhiên, mới đây, FPT Shop đã chính thức công bố về việc đã kí kết hợp tác nhập nhập khẩu trực tiếp Apple chính hãng mà không phải thông qua nhà phân phối được ủy quyền chính thức trước đó. Bên cạnh FPTShop, theo nguồn tin riêng cho biết, nhà bán lẻ Thế giới Di động cũng là đơn vị thứ 2 sẽ kí kết hợp tác nhập khẩu trực tiếp và bán các sản phẩm iPhone chính hãng tại Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc hệ thống FPT Shop cho biết: "Việc nhập khẩu trực tiếp từ Apple sẽ giúp cho nhà bán lẻ chủ động nguồn hàng hơn so với trước đây và giúp người dùng tiếp cận về sản phẩm sớm và nhanh hơn."
Theo thông tin mà Dân trí có được, tại Việt Nam hiện nay, 60% thị phần các sản phẩm Apple chính hãng được bán ra thị trường chia đều về hai nhà bán lẻ lớn là Thế giới Di động và FPT Shop. Và đây cũng là hai kênh phân phối các sản phẩm Apple chính hãng đến người dùng Việt lớn nhất của Apple tại Việt Nam.
Đồng thời, khi hai đơn vị lớn trở thành đối tác nhập khẩu trực tiếp của Apple bắt buộc phải tuân theo các nguyên tắt mà Apple đưa ra về việc trưng bày và quảng bá sản phẩm đến với người dùng. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận được việc trải nghiệm sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn mà Apple đã đặt ra trên toàn cầu.
Tuy nhiên, giá bán và những chính sách hậu mãi mới là điều người dùng quan tâm hơn bởi khi nhập trực tiếp thì sẽ mang đến lợi ích như thế nào cho người dùng?
Bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết: "Về nguyên tắc, khi là đối tác trực tiếp của Apple thì chúng tôi có lợi thế hơn về nguồn hàng so với trước và các gian hàng trưng bày phải thay đổi đúng chuẩn Apple. Tuy nhiên, giá bán và chính sách hậu mãi của sản phẩm do chúng tôi bán ra sẽ chủ động hơn mà không chịu sự chi phối của Apple. Tương tự như cách mà Apple phân phối iPhone trên các thị trường khác nhau. Giá bán sẽ tuỳ từng thị trường, phù hợp với thị trường và do nhà phân phối trực tiếp đưa ra. Tất nhiên phải phù hợp với chính sách mà Apple đã đặt ra."
Như vậy, có thể thấy rằng, sự chủ động về nguồn hàng của hai hệ thống này sẽ giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận sản phẩm Apple hơn nhờ vào số lượng kênh phân phối rộng rãi khắp cả nước. Sự tranh giành trên miếng bánh của thị trường sẽ quyết liệt hơn rất nhiều, đặc biệt là về giá và những chính sách hậu mãi do các nhà bán lẻ tự chủ động đưa ra. Hơn hết, khi sự cạnh tranh quyết liệt về giá sẽ giúp khoảng cách với hàng xách tay và chính hãng xích gần lại nhau hơn. Qua đó, đẩy lùi các nạn lừa bán các sản phẩm Apple kém chất lượng hiện nay trên thị trường và giúp thị trường trong sạch hơn, đưa người dùng tiếp cận đến nguồn hàng chính hãng tốt hơn.
Quốc Phan