Việt Nam tăng 5 bậc xếp hạng trên thế giới về dịch vụ trực tuyến

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Theo đánh giá mới nhất, chỉ số phát triển về dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với đánh giá trước đó.

Việt Nam tăng 5 bậc xếp hạng trên thế giới về dịch vụ trực tuyến - 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về Dịch vụ Công trực tuyến ngày 5/6 (Ảnh: BTC).

Theo đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển về dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam đã có những tiến bộ. Theo đánh giá mới nhất năm 2022, Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa.

"Hai cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước", Bộ trưởng Hùng nêu tại phiên họp về nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), diễn ra ngày 5/6. Cuộc họp do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tổ chức.

Trong đó, khái niệm "trực tuyến toàn trình" có thể hiểu là việc người dân tự hoàn tất các thủ tục hành chính ở nhà và không đến cơ quan nhà nước. Còn để đảm bảo chất lượng DVCTT, cơ quan nhà nước cần chú trọng vào tính đơn giản, thuận tiện, và nhanh.

Việt Nam tăng 5 bậc xếp hạng trên thế giới về dịch vụ trực tuyến - 2

Theo đánh giá mới nhất năm 2022, chỉ số phát triển về dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020 (Ảnh: BTC).

Báo cáo từ Bộ TT&TT cho biết, từ ngày 10/6, Bộ sẽ chính thức đánh giá Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6/2023.

Bộ TT&TT cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ phận một cửa điện tử để hướng dẫn bà con sử dụng DVCTT, để sau đó tự làm từ nhà, nhất là đối với các dịch vụ công đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trên môi trường số.

Kết quả từ việc làm này có thể giúp giảm mạnh việc người dân đến bộ phận một cửa điện tử, có chính sách ưu tiên DVCTT, như thời gian trả kết quả nhanh hơn, giá dịch vụ giảm.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương cập nhật, nâng cấp phiên bản đang triển khai ở các bộ, tỉnh lên phiên bản mới nhất. Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng giải pháp công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm