Việt Nam hoàn thành đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất
(Dân trí) - Chiều nay 11/1 Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo công bố Việt Nam đã chính thức hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (hay Đề án số hóa truyền hình).
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 63 tỉnh thành trên cả nước đã chính thức tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất từ 0h ngày 28/12/2020.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng - đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Đề án cho biết trải qua 9 năm, Đề án số hóa truyền hình đã đạt và vượt tất cả các mục tiêu ban đầu đề ra.
Bộ trưởng nhấn mạnh điểm đột phá lớn nhất của đề án là Việt Nam đã lựa chọn sử dụng công nghệ DVB-T2 (viết tắt của "Digital Video Broadcasting - Second Generation Terrestrial").
Đây là công nghệ thế hệ sau, cao cấp và ưu việt hơn công nghệ cũ DVB-T, với việc sử dụng kỹ thuật điều chế và mã hóa tín hiệu ưu việt hơn nên hiệu quả sử dụng tần số tăng gấp 1,5 lần và có khả năng chống nhiễu tốt hơn.
Thời điểm ấy, Việt Nam chỉ là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này. Đến thời điểm hiện nay, DVB-T2 vẫn là công nghệ tiên tiến, và nhiều nước phát triển tại châu Âu vẫn đang chuyển đổi công nghệ từ DVB-T sang DVB-T2.
Truyền hình tương tự mặt đất là công nghệ truyền hình sử dụng tín hiệu analog để truyền tải hình ảnh và âm thanh. Với công nghệ này, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được biến đổi "tương tự" với hình ảnh và âm thanh có thật, đồng nghĩa với việc hình ảnh và âm thanh được biến đổi trực tiếp thành tín hiệu điện mà tính chất của chúng không thay đổi.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tiến độ thực hiện Đề án của Việt Nam đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN, dù chúng ta là nước đông dân nhất, cũng như có địa hình đồi núi cản trở tiến độ thực hiện khi so sánh trong nhóm dẫn đầu.
Trên bản đồ thế giới, Việt Nam cũng tự hào khi đứng thứ 78/193 nước hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Tại thời điểm bắt đầu năm 2011, 90% số hộ gia đình có máy thu hình tương đương với hơn 18 triệu chiếc, 90% trong số đó chưa xem được truyền hình số. Đến năm 2020, số liệu thống kê cho thấy 16 triệu hộ gia đình đã xem truyền hình số qua phương thức cáp IPTV, trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí.
Ngoài ra, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất cũng đã đạt 80% dân cư, so với 50% dân cư của năm 2011. Nếu tính cả phủ sóng truyền hình số vệ tinh thì 100% dân cư đã thu xem được truyền hình số.
Trước đây, với truyền hình tương tự mặt đất thì 1 kênh tần số chỉ có thể phát sóng 1 kênh chương trình truyền hình, nay 1 kênh tần số có thể phát sóng tới 30 kênh chương trình truyền hình. Vì vậy, tại nhiều địa phương người dân đã có thể thu xem từ 40 đến 60 kênh chương trình SDTV và hơn 10 kênh chương trình HDTV, trong đó có 7 kênh thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội.
Để đạt được những thành quả đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã có cách làm rất riêng, với ưu tiên lấy lợi ích của người dân làm trung tâm.
Cụ thể, sau 3 năm chuẩn bị, vào năm 2015, Việt Nam đã tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất và triển khai Đề án số hóa truyền hình tại địa phương đầu tiên là Thành phố Đà Nẵng.
Sau đó, Việt Nam tiếp tục lộ trình số hóa truyền hình mặt đất gồm 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh, từ địa phương có thu nhập cao chuyển đổi trước đến các địa phương có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Lộ trình có sự tính toán và theo từng giai đoạn đã giúp người dân có đủ thời gian để cập nhật kiến thức về chuyển đổi số hóa truyền hình, nhằm phù hợp với sự phát triển theo công nghệ 4.0 hiện nay.