Vì sao Microsoft quyết tâm mua TikTok?
(Dân trí) - Giới công nghệ đặt ra câu hỏi liệu TikTok có gì hấp dẫn khiến Microsoft sẵn sàng bỏ ra hàng chục, thậm chí lên đến 100 tỷ USD để mua lại quyền điều hành?
Microsoft đã lên tiếng xác nhận đàm phán với ByteDance, “cha đẻ” của TikTok, để mua lại mạng xã hội này.
Với giới công nghệ, động thái của Microsoft được đánh giá là khá bất ngờ khi trong những năm qua, Microsoft chủ yếu tập trung vào các phần mềm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp.
Vậy TikTok có gì hấp dẫn khiến Microsoft sẵn sàng bỏ ra hàng chục, thậm chí lên đến 100 tỷ USD để mua lại quyền điều hành?
Dữ liệu người dùng, “dầu mỏ” của thế giới Internet
Trong thời đại mạng xã hội và Internet phát triển như hiện nay, nhiều người đã ví dữ liệu của người dùng như một loại “dầu mỏ” mới mà các ông lớn công nghệ luôn tìm cách khai thác. Công ty nào sở hữu càng nhiều dữ liệu người dùng sẽ càng trở nên giàu có. Microsoft chắc chắn cũng không ngoại lệ.
Phần quan trọng nhất trong thỏa thuận Microsoft mua lại TikTok từ ByteDance đó là Microsoft sẽ nắm quyền quản lý và kiểm soát dữ liệu người dùng tại Mỹ. Điều này sẽ giúp dẹp tan mối lo của chính quyền tổng thống Trump về việc TikTok sẽ thu thập thông tin người dùng tại Mỹ và cung cấp cho chính phủ Trung Quốc.
Bản thân Microsoft cũng đã thừa nhận về tầm quan trọng của của dữ liệu người dùng TikTok, đồng thời khẳng định sẽ đảm bảo rằng tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng TikTok Mỹ sẽ được chuyển về và lưu trữ tại Mỹ.
Những dữ liệu người dùng này có thể được Microsoft sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Trước đó, Microsoft đã sử dụng dịch vụ chơi game trực tuyến Xbox Live trên máy chơi game Xbox để hiểu rõ hơn về thói quen chơi game của các game thủ, giúp Microsoft phát triển các dự án về phần mềm, phần cứng và các trò chơi để đáp ứng được sở thích của người dùng cũng như nhiều dự án phát triển sản phẩm khác.
Với TikTok, Microsoft có thể hiểu rõ hơn về người dùng trẻ tuổi, đối tượng chính sử dụng TikTok, giúp phát triển các sản phẩm phù hợp hơn cho đối tượng người dùng này. Đây là đối tượng người dùng mà Microsoft đã bỏ quên trong một thời gian dài khi quá tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp.
Hơn ai hết, Microsoft có thể nhận ra rằng giới trẻ tại Mỹ đang lớn lên trong môi trường bị chi phối bởi các sản phẩm của Apple và Google như iOS, Android, MacBook, Gmail… nhiều người dùng trẻ tuổi tại Mỹ đang dần quên đi sự hiện diện các sản phẩm của Microsoft như Windows hay Office. Rõ ràng, Microsoft không muốn mất đi tầm ảnh hưởng với nhóm đối tượng mà sẽ trở thành tương lai của nước Mỹ.
TikTok sẽ trở thành cầu nối để giúp Microsoft tiếp cận với hàng triệu người trẻ tuổi tại Mỹ, giúp nắm bắt được thói quen, sở thích của những người dùng này giúp Microsoft phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với giới trẻ để không còn lép vế so với Apple hay Google.
Ngoài ra, Microsoft cũng có thể tận được nền tảng công nghệ được trang bị trên TikTok. Hiện TikTok đang sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để nhận diện gương mặt và các bộ phận trên cơ thể người dùng để tạo ra các bộ lọc và hiệu ứng trên video và TikTok được đánh giá là làm rất tốt điều này. Microsoft hoàn toàn có thể sử dụng các nền tảng công nghệ và thuật toán mà TikTok đang sử dụng để tích hợp vào các sản phẩm khác của mình giúp tăng cường trải nghiệm cho người dùng.
Bước đường tắt trên cuộc đua mạng xã hội
Mạng xã hội từng là lĩnh vực thị trường mà các “ông lớn” công nghệ từng rất muốn chiếm thị phần, tuy nhiên, đây cũng là thị trường khắc nghiệt mà không phải ai cũng tồn tại được. Google đã từng “tham chiến” trên thị trường mạng xã hội nhưng thất bại thảm hại với nền tảng mạng xã hội Google+. Bản thân Microsoft cũng đã từng thử sức với mạng xã hội Socl ra mắt vào năm 2012 nhưng cũng đã thất bại và khai tử vào năm 2017.
Microsoft cũng đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường mạng xã hội nên vào năm 2007 đã đầu tư số tiền 240 triệu USD vào Facebook khi mạng xã hội này bắt đầu có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Rõ ràng, để phát triển một mạng xã hội hoàn toàn mới và cạnh tranh với Facebook, Twitter hay Instagram… vào thời điểm hiện tại là điều bất khả thi. Do vậy, việc thâu tóm TikTok sẽ giúp Microsoft đi đường tắt trên cuộc đua mạng xã hội, khi TikTok đang có một lượng người dùng rất lớn tại Mỹ cũng như trên thế giới, thậm chí đang đe dọa “ngôi vương” của Facebook trên thị trường mạng xã hội.
Liệu TikTok có thành công khi được Microsoft thâu tóm?
Như trên đã đề cập, TikTok dường như là một phân khúc thị trường mới mẻ mà Microsoft chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy, liệu TikTok có thể duy trì được sự thành công sau khi được Microsoft thâu tóm?
Trên thực tế, lịch sử đã chứng rằng không có không ít thương vụ, Microsoft đã chấp nhận bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để thâu tóm các công ty khác, nhưng kết cục lại không được như mong đợi.
Chẳng hạn như trường hợp của Nokia , khi Microsoft chi ra 7,2 tỷ USD vào năm 2013 để mua lại bộ phận điện thoại di động với tham vọng chạy đua trên thị trường smartphone. Kết cục, cái tên Nokia không đủ giúp Microsoft tìm được chỗ đứng trên thị trường di động để rồi sau đó Microsoft đã buộc phải bán lại thương hiệu Nokia cho HMD Global, một công ty Phần Lan.
Trước đó hai năm, Microsoft cũng đã chi ra số tiền 8,5 tỷ USD để mua lại Skype. Những tưởng dưới sự phát triển của Microsoft, Skype sẽ trở thành một trong những ứng dụng gọi điện lớn nhất thế giới, nhưng thực tế, hiện Skype đã mất đi vị thế của mình.
Trước năm 2007, aQuantive là một công ty quảng cáo trực tuyến và tiếp thị kỹ thuật số lớn và đạt được doanh thu cao. Đó là lý do Microsoft đã chi ra 6,3 tỷ USD vào năm 2007 để thâu tóm công ty này. Tuy nhiên, sau khi được Microsoft mua lại, aQuantive đã không còn sự chủ động và chịu sự giám sát quá chặt chẽ của Microsoft, khiến công ty mất đi vị thế của mình. Đây được xem là một trong những thương vụ thất bại nhất của Microsoft.
Trên đây chỉ là một vài thương vụ có giá trị lớn nhưng thất bại của Microsoft. Vẫn còn rất nhiều thương vụ khác mà Microsoft đã chịu chi ra số tiền lớn nhưng dưới sự dẫn dắt của Microsoft đều dẫn đến thất bại. Những ví dụ trên là minh chứng cho thấy rằng TikTok hoàn toàn có thể là “bom xịt” sau khi được Microsoft thâu tóm, dù tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này ở thời điểm hiện tại là không hề nhỏ.
Dĩ nhiên, bên cạnh những thất bại thì Microsoft vẫn có những thương vụ thành công, nổi bật nhất là thương vụ mua lại hãng game Mojang với giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014, khi mà giờ đây Microsoft vẫn đang để Mojang hoạt động một cách độc lập và tựa game Minecraft của Mojang vẫn đang phát triển tốt.
Hay thương vụ mua lại mạng xã hội chuyên gia LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016. Sau thương vụ này, Microsoft đã để LinkedIn hoạt động độc lập và tích hợp một số điểm vào ứng dụng Office, giúp LinkedIn hoạt động một cách hiệu quả.
Có vẻ như, bí kíp cho sự thành công của Microsoft là để cho các công ty mình mua lại có quyền chủ động và hoạt động một cách độc lập. Với TikTok, liệu mạng xã hội này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của Microsoft sau khi thương vụ được thực hiện.
Để TikTok hoạt động độc lập, Microsoft vẫn có thể quản lý được những dữ liệu quan trọng của người dùng trên mạng xã hội này, nhưng cũng đảm bảo TikTok giữ nguyên được mô hình hoạt động như trước khi thương vụ được diễn ra.
Dẫu sao mọi việc hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức dự đoán và phân tích. Vấn đề đặt ra ở thời điểm hiện tại là Microsoft có thể đạt được một thỏa thuận với ByteDance để thâu tóm TikTok và quan trọng hơn phải thuyết phục tổng thống Trump chấp thuận để thương vụ này có thể được diễn ra.