Vì sao iPhone 13 khan hàng lâu hơn mọi năm?
(Dân trí) - Mỗi khi lên kệ tại Việt Nam, iPhone lại tạo nên những cơn sốt mua sắm. Không ít lần, các đại lý đã rơi vào tình trạng "cháy hàng" khi iPhone thế hệ mới vừa cập bến thị trường.
Vào những năm trước, việc khan hàng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, khoảng 1-2 tuần. Sau đó, thị trường sẽ lập tức bình ổn trở lại. Tuy nhiên, đối với thế hệ iPhone 13, tình trạng khan hàng đang kéo dài hơn mọi năm.
Thậm chí, người dùng có thể phải chờ đến 2 tháng để có thể nhận được máy, dù đã đặt hàng từ trước. Theo nhận định từ một số chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Người Việt chuyển sang mua iPhone chính hãng nhiều hơn
Trao đổi với Dân trí, đại diện hệ thống FPT Shop cho biết sau hơn 2 tuần mở bán thế hệ iPhone 13, hệ thống vẫn tiếp tục ghi nhận những con số ấn tượng, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay. Tính đến ngày 10/11, hệ thống đã bán ra hơn 25.000 máy, thu về gần 800 tỷ đồng.
"Hệ thống vẫn đang tích cực làm việc với hãng sản xuất và liên tục về hàng. Đến tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ cung cấp hơn 80.000 máy iPhone 13 để đáp ứng nhu cầu cực kỳ lớn của người tiêu dùng Việt", ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop chia sẻ.
Ông Kha cho biết thêm rằng từ khi trình làng đến nay, sức hút của những chiếc iPhone 13 chưa bao giờ giảm nhiệt. Trước đó, hệ thống này cũng ghi nhận hơn 53.000 đơn đặt trước và hơn 40.000 đơn đặt cọc chỉ sau một tuần mở đặt trước.
Các hệ thống bán lẻ khác như TGDĐ, CellphoneS, HnamMobile, Di Động Việt… cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc về doanh số đối với iPhone 13. Theo chia sẻ từ các đại lý, lượng người dùng quan tâm đến iPhone 13 là rất lớn, hơn nhiều so với thế hệ iPhone 12 tiền nhiệm.
"Từ khi mở bán đến nay, hệ thống luôn trong tình trạng "cháy hàng". Hàng nhập về bao nhiêu cũng không đủ để cung cấp ra thị trường. Điều này một phần đến từ sức hút của những chiếc iPhone 13, một phần khác có thể do sức mua của khách hàng đã bị kìm hãm trong suốt khoảng thời gian giãn cách vì dịch Covid-19. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy thị trường di động đang có sự phục hồi tốt sau giãn cách", ông Trần Quốc Trung, Trưởng phòng kinh doanh HnamMobile nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cho biết năm nay, lượng khách hàng quan tâm đến iPhone chính hãng tăng mạnh bởi lượng máy xách tay được đưa về Việt Nam quá ít.
"Ước tính, lượng iPhone 13 xách tay hiện có trên thị trường chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó khiến cho nhu cầu của người dùng đổ dồn về máy chính hãng", ông Huy nói.
Nguồn cung hạn chế, hàng về nhỏ giọt
Từ khi đại dịch bùng phát, "cơn khát" chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau như xe hơi, smartphone, máy tính xách tay, máy giặt và tủ lạnh. Rất nhiều công ty, trong đó có Apple cũng không thoát khỏi tác động từ tình trạng khan hiếm chip.
Theo một nguồn tin mới đây từ DigiTimes, tình trạng khan hàng đối với iPhone 13 sẽ kéo dài đến quý I/2022. Nguyên nhân đến từ tình trạng thiếu chip diễn ra từ đầu tháng 10. Dù vậy, các nhà cung ứng cũng đã tăng cường sản xuất chip, từ đó giúp gia tăng sản lượng iPhone 13. Tuy nhiên, phải đến tháng 2/2022, lượng cung mới có thể đủ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường.
Chia sẻ với Dân trí, đại diện một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam tiết lộ tại khu vực Đông Nam Á, lượng hàng được Apple cung cấp trong đợt đầu đã bị cắt giảm tới 40%, riêng thị trường Việt Nam bị giảm 10%. Điều đó khiến cho nhà phân phối chỉ có thể giao hàng theo từng đợt nhỏ, thay vì cả lô lớn như trước đây.
"Theo lịch dự kiến, số iPhone 13 được nhập về tháng 11 sẽ nhiều hơn 15-20% so với tháng 10, trong đó tỷ trọng của phiên bản 13 Pro Max 128 GB là lớn nhất khi chiếm đến 50% tổng lượng máy. Tuy nhiên, lượng hàng trên lại được phân bổ chủ yếu sau ngày 15/11. Trong khi đó, vào 2 tuần đầu của tháng 11, lượng hàng được nhập về rất nhỏ giọt", vị này tiết lộ.