Vi mạch Việt tiến vào hệ thống trường đại học

(Dân trí) - Các trường đại học tại TPHCM sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm ứng dụng vi mạch Việt. Kinh phí được tài trợ bởi Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020 thông qua Sở Thông tin và Truyền thông.

Từ trái sang: ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC và đại diện nhà trường trong lễ ký kết
Từ trái sang: ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC và đại diện nhà trường trong lễ ký kết

Chiều 28/6, tại Trường Đại học Giao thông Vận tải – Cơ sở II, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) và Trường Đại học Giao thông Vận tải – Cơ sở II đã ký kết hợp tác về việc hỗ trợ phát triển vi mạch Việt trong hệ thống các trường đại học.

Đây là một hoạt động của đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020.

Sau ký kết lần này, các trường đại học sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm ứng dụng vi mạch Việt với cơ sở vật chất ban đầu gồm các bộ KIT SG8V1, sách hướng dẫn sử dụng và khóa tập huấn chuyển giao giáo trình hướng dẫn sử dụng thực hành nghiên cứu vi điều khiển SG8V1 trên KIT SG8V1. Kinh phí được tài trợ bởi Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020 thông qua Sở Thông tin và Truyền thông.

Đồng thời, Trung tâm ICDREC cũng xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển vi điều khiển SG8V1 tạo thành cộng đồng người dùng vi điều khiển SG8V1 để các nghiên cứu viên, sinh viên và những người muốn tìm hiểu có kênh thông tin giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm.

Trong đợt hỗ trợ đầu tiên này, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tài trợ xây dựng 04 phòng thí nghiệm đặt tại các Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Giao thông Vận tải – Cơ sở II.

Trong năm 2016, Trung tâm ICDREC tiếp tục làm việc với các đơn vị trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu để thực hiện nhân rộng mô hình này với việc trang bị thêm 06 phòng thí nghiệm. Sự chung tay xây dựng phát triển vi mạch Việt từ các trường đại học sẽ giúp tạo được nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực vi mạch điện tử, là cơ sở đưa vi mạch Việt nhanh chóng đi vào thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên vi mạch đến năm 2020.

Phan Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm