Ứng dụng Việt truy vết F1, F2 không theo dõi vị trí người dùng
(Dân trí) - Bộ TT&TT vừa giới thiệu ứng dụng Bluezone có khả năng truy dấu những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân F0 nhiễm Covid-19. Ứng dụng sử công nghệ Bluetooth nên không theo dõi vị trí người dùng.
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy).
Cụ thể, các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm. Nhóm Memozone trong thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng dùng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Bluezone tập hợp được trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV.
Bộ trưởng đánh giá tuy Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.
Hiện tại Apple và Google cũng đang bắt tay để phát triển ứng dụng chung trên nền tảng Bluetooth giống như Bluezone nhằm theo dõi tiếp xúc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Trước đó, từ cuối tháng 3, Singapore là một trong những nước đầu tiên triển khai ứng dụng TraceTogether để theo dõi tiếp xúc trong mùa dịch Covid. Tuy nhiên, trở ngại của ứng dụng này là yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân nên việc triển khai tại Singapore chưa đạt con số như kỳ vọng. Đến thời điểm này mới có 1 triệu cài đặt ứng dụng.
Trong khi đó, châu Âu và Australia cho biết cũng sẽ triển khai ứng dụng theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ Bluetooth trong vài tuần tới.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, khác với ứng dụng của Singapore xây dựng, Bluezone không yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân ngay khi cài đặt ứng dụng này. Việc khai báo thông tin này chỉ được thực hiện khi người dùng xác định mình đã trở thành F1 thì sẽ tự nhập dữ liệu cá nhân lên hệ thống và chuyển báo cáo về tình trạng của mình tới các cơ quan y tế đã được cập nhật trên hệ thống Bluezone.
Ông Quảng cũng cho hay nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng. Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Bkav cho biết dự tính là “xuất khẩu” mở mã nguồn cho cả thế giới sử dụng, do đó, tình riêng tư được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các nước Mỹ hay châu Âu họ sẽ yêu cầu về vấn đề bảo mật.
Nguyên tắc tìm ra các cá nhân trở thành F1, F2 hay F3…, theo chia sẻ của ông Quảng là sau khi người dùng biết mình trở thành F1 thì sẽ khai báo qua app bằng cách nhấn submit lên hệ thống. Sau khi F1 submit dữ liệu lên thì hệ thống có thể đẩy xuống cho các máy một lần nữa để các máy tự so sánh tìm ra liệu mình có phải là F2 không, và điều này cũng tương tự với F3. “Tất cả đều theo nguyên tắc các máy tự so sánh local dựa trên các dữ liệu đã xác thực của các F do hệ thống đẩy xuống”, ông Quảng chia sẻ.
Để giải quyết về bài toán làm sao để các điện thoại chạy trên 2 nền tảng Android và iOS có thể tương thích với nhau để truyền dữ liệu cho nhau, ông Quảng cho hay, Bkav là công ty an ninh mạng nên đội an ninh đã phân tích đến hoạt động lõi của hệ thống iOS và Android để tìm ra giải pháp nói chuyện giữa 2 hệ thống ở mức nền tiết kiệm điện năng.
“Chiến lược sẽ triển khai trong thời gian tới là phát động chương trình “Mỗi người cài app cho 3 người khác”. Theo tính toán, chỉ trong khoảng 3 tuần, hầu hết người dùng smartphone sẽ được cài đặt Bluezone và được hệ thống bảo vệ. Khi đã có một cộng đồng như vậy, thậm chí ngay cả đối với những người không dùng app, cũng được bảo vệ”, ông Quảng chia sẻ.
Hiện tại ứng dụng này vẫn còn đang trong quá trình kiểm duyệt của Google, Apple trước khi được tải lên kho ứng dụng.
Khôi Linh