1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Khai trương nền tảng tư vấn sức khoẻ và ứng dụng hỗ trợ chống Covid-19

(Dân trí) - Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng chính thức ra mắt, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị Việt Nam đang hợp sức phòng chống Covid-19.

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19.

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - GS. TS. Tạ Thành Văn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Tin học hoá, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), BKAV, đại diện các bệnh viện vệ tinh và các doanh nghiệp tham dự qua 8 điểm cầu truyền hình.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Hai lĩnh vực được đánh giá là sẽ có nhiều bước tiến quan trọng, do tác động của Covid-19, là y tế và công nghệ số".

Bộ trưởng nói: "Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến một cú huých đặc biệt của Covid-19 tới chuyển đổi số của ngành y tế. Nhiều năm nay, chúng ta đã nói nhiều đến bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, kết nối liên thông giữa bệnh viện các tuyến, y học gia đình, nhưng các chuyển biến là chưa nhiều".

Bộ trưởng cho rằng, Covid-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể. Việc giảm tải cho các bệnh viện sẽ giúp huy động nguồn lực khám chữa cho bệnh nhân Covid, đặc biệt dự phòng chuẩn bị cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Việc tập trung đông người bệnh ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, luôn là một nguy cơ lây nhiễm Covid. Đặc biệt đối tượng người già, các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong rất cao, cần ở nhà, tránh nơi tiếp xúc đông người, nếu có nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa họ có thể không phải đến bệnh viện khi không thật cần thiết.

Khai trương nền tảng tư vấn sức khoẻ và ứng dụng hỗ trợ chống Covid-19 - 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Người đứng đầu ngành TT&TT đánh giá, thời điểm này cũng chính là cơ hội để ngành y tế phát triển và chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam có thuận lợi khi có rất nhiều DN CNTT mạnh, để giúp tạo ra các nền tảng để giúp chuyển đổi số nhanh chóng trong các lĩnh vực y tế và cả giáo dục.

Bộ trưởng Hùng cũng cho rằng, nền tảng tư vấn và khám chữa bệnh từ xa của Viettel đảm bảo các hoạt động y tế từ xa. Nền tảng Việt Nam do Việt Nam phát triển và tích hợp, triển khai miễn phí trong thời Covid.

Bộ TT&TT và Bộ Y Tế kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia, không chỉ là các nền tảng mà còn đặc biệt là các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TTTT và Bộ Y Tế sẽ phối hợp ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.

"Chuyển đổi số thì cách nhanh nhất là dựa trên các nền tảng. Hàng chục ngàn cơ sở y tế là một nền tảng, không phải hàng chục ngàn phần mềm khác nhau. Và vì vậy sẽ triển khai rất nhanh, đồng nhất, và đỡ tốn kém. Việt Nam chúng ta sẽ phải phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa. Thí dụ hiện nay, chúng ta chưa có nền tảng về hội nghị video trực tuyến, nền tảng về quản lý làm việc từ xa, v.v... Đây cũng chính là sự đặt hàng, sự kêu gọi của Chính phủ đối với cộng động doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Hãy Make In Vietnam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về ứng dụng Bluezone, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua Bộ đã kêu gọi 4 nhóm Memozone ở TP. HCM, VNPT, MobiFone và BKAV độc lập phát triển, nhưng cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức về kỹ thuật, thảo luận phương án giải quyết. Tuy nhiên, Bluezone là ứng dụng được đánh giá cao nhất và được lựa chọn.

Bộ trưởng đánh giá ứng dụng Bluezone có nhiều đột phá, trong đó chính quyền không thu thập thông tin cá nhân, thông tin chỉ lưu trên máy. Ứng dụng chỉ ra đúng những người tiếp xúc đủ gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu, khi nó sẽ được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia xẻ, các công ty, các hãng công nghệ lớn như Apple và Google sẽ cùng chung tay phát triển, và để người dân được giám sát phần mềm mà mình đang dùng có an toàn không.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành truyền thông và thông tin, ngành y tế đã chủ động cùng nhau phối hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Thủ tướng đánh giá chưa bao giờ có nhiều tin nhắn ủng hộ vào quỹ của nhà nước để mua sắm thiết bị, ngăn chặn dịch Covid. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, y bác sỹ, công nghệ tích cực tham gia trong phòng chống dịch Covid.

Tại sự kiện, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trước ngày 20/4 để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt của xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo, hiệu triệu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa phục vụ nhân dân.

Tại sự kiện, Thủ tướng đề nghị: “Viettel khi triển khai nền tảng thì đi kèm với đào tạo, có lực lượng đảm bảo hệ thống chạy ổn định trên toàn quốc, phần mềm liên tục được phát triển và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu. Tôi đề nghị Bkav thu thập, tiếp thu ý kiến trao đổi, góp ý của cộng đồng người dùng để phần mềm chạy tốt hơn, ổn định hơn”.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện kết nối với Bệnh viện đa khoa Mường Khương, Lào Cai thực hiện hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mạn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) để thực hiện khám bệnh.

Nền tảng do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Với Hệ thống khám chữa bệnh từ xa, Bộ TT&TT và Bộ Y tế mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, giúp bệnh nhân tin tưởng hơn với tuyến điều trị tại địa phương khi có sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương, nâng cao năng lực, hạn chế sự lãng phí cơ sở vật chất cho tuyến dưới khi được thực hành, hội chẩn cùng tuyến trên. Điều quan trọng hơn, hệ thống này sẽ giúp giảm đáng kể số lần đến bệnh viện của người dân.

Khai trương nền tảng tư vấn sức khoẻ và ứng dụng hỗ trợ chống Covid-19 - 2

Kết nối từ xa, hội chẩn trực tuyến

Viettel cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sỹ giỏi nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, Viettel đã xây dựng hàng loạt giải pháp đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam như: Hệ thống tiêm chủng quốc gia, Hệ thống quản lý nhà thuốc, Hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, Hệ thống an toàn thực phẩm, Hệ thống bệnh án điện tử, hướng đến mục tiêu người dân Việt Nam dù ở bất kỳ đâu cũng được hưởng một chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất.

Ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19

Để từng bước đưa cuộc sống trở về bình thường, mà vẫn đảm bảo được việc phòng, chống đại dịch, bảo vệ cộng đồng, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Bộ TT&TT cho rằng giải quyết bài toán này có thể dựa vào công nghệ.

Bluezone được phát triển nhằm bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID - 19 có tên Bluezone. Người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều này giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loạt bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.

Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến khích mọi người dân sử dụng Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và những người xung quanh mình, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch. 

Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục công bố các phần mềm phòng chống dịch Covid-19, cũng như các phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, nhằm giúp Việt Nam thiết lập một trạng thái bình thường mới, góp phần đưa các hoạt động KT-XH trở lại bình thường.

Covid-19 tạo ra cơ hội “trăm năm” cho chuyển đổi số. Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng tạo ra các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số , xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.

Khôi Linh