Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao: “Tắc” ở khâu quản lý
(Dân trí) - Cái khó trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta không phải là công nghệ mà “tắc” ở khâu quản lý. “Nút thắt” cúa quá trình này là thiếu chính sách hỗ trợ của nhà nước về tích tụ đất đai và tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp…
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh thực trạng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Phương pháp tiếp cận sai?
Thưa ông, gần đây người ta nhắc nhiều đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vậy ông có đánh giá gì về quá trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta?
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hiện ở nhiều địa phương từ khá lâu nhưng phần lớn các mô hình đều thất bại như mô hình ở Hà Nội, TPHCM hay Hải Phòng...Vấn đề là ở chỗ phương pháp tiếp cận của mình chưa được chính xác. Đúng ra, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải tập trung vào chức năng thương mại nhưng ở Việt Nam lại “nhầm lẫn” sang chức năng trình diễn, giới thiệu, vì khi là công nghệ thì không phải nghiên cứu nữa mà chỉ hoàn thiện và ứng dụng trong điều kiện cụ thể. Khi phương pháp tiếp cận không đúng thì đối tác, đối tượng làm cũng sẽ không đúng. Vì phương pháp tiếp cận của mình là trình diễn nên đối tượng hướng tới là các viện nghiên cứu, các trường đại học, nhưng nếu tiếp cận theo chức năng thương mại thì doanh nghiệp phải là đối tác chính, là chủ thể.
Khi lấy thương mại làm đầu thì phải tính hiệu quả kinh tế là chính, chứ không phải hiệu quả về đào tạo, trình diễn hay tập huấn. Doanh nghiệp phải là chủ thể và phải lựa chọn 3 thứ: Thị trường sản phẩm định làm, nhu cầu ra sao; sản phẩm định làm đã có công nghệ chưa; giá thành sản phẩm như thế nào. Vì tiếp cận ngay từ đầu chưa chuẩn xác lại chủ yếu dùng vốn nhà nước nên khả năng thương mại kém, quản lý chưa tốt. Do đó, cần tiếp cận theo hướng thương mại, để doanh nghiệp làm chủ đạo và họ sẽ tự tìm nhà khoa học, tự tìm vốn, tự sản xuất, như vậy rủi ro sẽ rất thấp vì doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc đầy đủ về thị trường, công nghệ với giá hợp lý. Gần đây, những nơi đã thay đổi cách tiếp cận thì đã thành công.
Cần hỗ trợ tích tụ đất đai và tiếp cận nguồn vốn
Trong trường hợp mình tiếp cận đúng hướng rồi, thì theo ông khó khăn trong việc hình thành các vùng nguyên liệu và khó ở đầu ra thị trường có phải là rào cản để phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam?
Tôi cho rằng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua những sản phẩm rất đắt ở siêu thị vì một bộ phận lớn người dân có điều kiện tiếp cận những sản phẩm mà họ cho là vệ sinh an toàn thực phẩm là cao nhất hoặc họ cho là chất lượng đặt lên hàng đầu mà họ không quan tâm đến vấn đề giá cả nữa. Do vậy, thị trường trong nước rất lớn chưa nói đến xuất khẩu. Tuy nhiên, có 3 khó khăn hiện nay: Thứ nhất là làm nông nghiệp bao giờ cũng cần đất, đất để làm công nghệ cao phải tiện về giao thông để lưu thông hàng hóa nông sản. Thứ hai là cần có khu tương đối lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc tích tụ đất đai. Chúng ta có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp thì tại sao không hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các khu nông nghiệp? Khi họ làm quy mô như vậy rồi thì nhà nước sẽ hỗ trợ để họ có hệ thống siêu thị bán sản phẩm để truy xuất nguồn gốc vì hiện nay cái khó là truy xuất nguồn gốc. Do vậy cần gắn hệ thống tiêu thụ với khâu sản xuất. Tôi đã đề xuất với thành phố Hà Nội nên dành ra vài khu mỗi khu vài trăm ha và quản lý triệt để đầu vào như nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đóng gói bao bì có thể truy xuất nguồn gốc để đưa ra siêu thị. Cái khó ở đây không phải công nghệ mà “tắc” ở khâu quản lý.
Vậy theo ông, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nên chú trọng vào những lĩnh vực nào trong khâu sản xuất và chế biến nông sản?
Theo tôi, có thể ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực của nông nghiệp. Tuy nhiên, cần xem xét các công đoạn đã có công nghệ và có thị trường. Trong trồng trọt, khâu nhân giống cây công nghiệp và cây ăn quả rất quan trọng. Hiện nay, khâu nhân giống ta quản lý kém nên dân tự nhân giống hoặc giống có nguồn gốc trôi nổi. Một cây cam, sầu riêng, bưởi phải mất 5-7 năm hay 10 năm mới ra quả, nếu giống không tốt mà thay lại tốn kém rất nhiều. Tương tự với cà phê, cây trôi nổi nhiều nên chất lượng không cao. Cây lúa thì mới có 30% sử dụng giống xác nhận vì hệ thống sản xuất và cung ứng giống của mình rất kém. Trong cây lương thực cần giảm tổn thất sau thu hoạch vì lúa và ngô tổn thất 12-14% tương đương với 4-5 triệu tấn thóc, hơn 100.000 tấn ngô. Ngô mà bảo quản không tốt thì còn bị nhiễm độc Aflatoxin thì không bán được. Chúng ta có thể ứng dụng những công nghệ phù hợp, sử dụng ngay nguyên liệu tại chỗ như dùng trấu hoặc cám sinh học để sấy thóc. Trong cây ăn quả có các công nghệ làm sạch bệnh, cấy ghép, nhân giống nhanh. Sản xuất mía thì nhân giống hàng loạt trong hệ thống nuôi cấy mô hoặc hệ thống nhân giống đông ruộng.
Trong chăn nuôi, người ta làm 1,5-2kg thức ăn chăn nuôi ra 1 kg thành phẩm nhưng mình lại dùng tốn hơn vì chất lượng thức ăn chăn nuôi kém hơn, và khi dùng thừa thức ăn chăn nuôi sẽ tạo chất thải trong chăn nuôi nhiều hơn, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Người ta dùng đạm sinh học hoặc tái chế toàn bộ hữu cơ và quản lý dịch bệnh nhưng với quy mô chăn nuôi lớn.
Trong lâm nghiệp có hệ thống nhân giống và công nghiệp chế biến. Ttrong lĩnh vực hủy sản, có công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến. “Nút thắt” là nhà nước cần hỗ trợ về mặt chính sách đặc biệt là chính sách về đất đai và chính sách vay vốn để doanh nghiệp tự tìm đến nhà khoa học và tự tìm đến thị trường chứ nhà nước mà cứ làm thay hết thì sẽ bị thất bại.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Thảo Nguyên