Tuyệt chiêu chụp đẹp với máy ảnh Mirrorless sau 30 phút
(Dân trí) - Hiện nay, với giá thành ngày một hợp lý, việc sắm cho mình một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp không còn là điều khó khăn với đa số người dùng muốn tìm kiếm trải nghiệm hình ảnh tốt hơn so với việc sử dụng một chiếc máy ảnh du lịch Point-and-Shoot lỗi thời.
Thời gian gần đây, máy ảnh Mirrorless đang là sự lựa chọn tối ưu cho đối tượng là những người dùng nghiệp dư nhờ có thiết kế nhỏ gọn, giao diện trực quan thân thiện, dễ nắm bắt và sử dụng. Bên cạnh đó, với những chế độ được thiết lập tự động sẵn, đi kèm với một số hiệu ứng tích hợp, người dùng nghiệp dư vẫn dễ dàng cho ra đời được những tác phẩm tương đối dễ nhìn.
Tuy nhiên, nếu muốn thực sự làm chủ từng shot hình, người dùng sẽ phải tìm hiểu một số khái niệm cơ bản để có được những tác phẩm ưng ý. Bài hướng dẫn dưới đây sẽ đề cập tới những kiến thức cơ bản nhất, giúp những tay máy nghiệp dư có thể làm chủ chiếc máy ảnh Mirrorless của mình hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.
1. Tìm hiểu một số khái niệm cơ bản
Chế độ chụp ảnh
- A hoặc Av: Ưu tiên chỉnh khẩu độ ống kính
- S hoặc Tv: Ưu tiên chỉnh tốc độ chụp
- M: Tùy chỉnh tay hoàn toàn các giá trị
- P: Chế độ tự động
Đa phần các máy ảnh Mirrorless ra mắt gần đây đều trang bị bánh xe chỉnh chế độ nhanh, hoặc nếu không người dùng cũng có thể tìm thấy các chế độ này trong Menu tùy chỉnh.
Một số thuật ngữ khác hay gặp:
- ISO: độ nhạy sáng của cảm biến.
- Metering Mode: Chế độ đo sáng
- AF Mode: Chế độ lấy nét tự động
- MF Mode: Chế độ lấy nét thủ công bằng tay.
- EV: Bù trừ giá trị phơi sáng
- WB Mode: Chế độ cân bằng trắng
- D-Range hoặc HDR: Chụp ảnh với dải tương phản cao (thường sử dụng trong chụp ảnh phong cảnh)
2. Chọn lựa ống kính phù hợp với nhu cầu
- Chụp ảnh phong cảnh: Các ống kính có tiêu cự rộng từ 24mm trở xuống.
- Chụp ảnh chân dung indoor/hoa lá/tĩnh vật: Các ống kính có tiêu cự trong khoảng 28mm-35mm.
- Chụp ảnh chân dung outdoor: Các ống kính có tiêu cự từ 50mm trở lên.
- Chụp ảnh chim chóc, động vật hoang dã, thể thao: Các ống kính có tiêu cự đạt đến 200mm-300mm hoặc hơn nữa.
3. Chế độ đo sáng (Metering Mode)
Thông thường, một chiếc máy ảnh sẽ có ba chế độ đo sáng cơ bản nhất và cũng hay sử dụng nhất đó là Matrix/Evaluative, Center và Spot
- Đo sáng Matrix/Evaluative: Chế độ đo sáng toàn khung, máy ảnh sẽ tự động đo cường độ sáng ở các vùng khác nhau trên toàn bộ khung hình và cho bức ảnh có độ sáng tối ưu trên giá trị chia trung bình. Chế độ đo sáng này có thể sử dụng trong hầu hết các tình huống chụp ảnh nếu ánh sáng đều và không phức tạp.
- Đo sáng Center: Đo sáng trung tâm, máy ảnh sẽ tập trung đo sáng ở các vùng 60%-80% tính từ trung tâm khung ngắm. Đo sáng trung tâm sẽ tập trung hiệu quả và nhấn mạnh chủ thể ở khoảng giữa của khung ảnh. Kiểu đo sáng này đặc biệt thích hợp với tình huống chụp ảnh chân dung ngoài trời
- Đo sáng Spot: Đo sáng điểm, máy ảnh chỉ đo sáng tại một vùng rất nhỏ (khoảng 1%-5% khung ngắm). Đo sáng điểm là lựa chọn tốt khi chụp ảnh trong tính huống ánh sáng phức tạp như chụp ngược sáng hoặc thiếu sáng. Người chụp cần focus vào điểm cần chụp để máy ảnh xác định đó là điểm cần phải đo sáng chính xác. Trong nhiều trường hợp chụp ngược sáng với nguồn sáng phía sau quá mạnh, việc bù trừ sáng (+/-EV) là rất cần thiết.
4. Chế độ cân bằng trắng (White Balance Mode)
Tùy chỉnh chế độ cân bằng trắng là một tính năng quan trọng nếu người dùng muốn thu được những bức ảnh với tone màu chính xác. Giá trị cân bằng trắng được tính bằng độ K (Kelvin). Độ K càng cao tone ảnh càng nóng và ngược lại.
Trong hầu hết các điều kiện ánh sáng không quá phức tạp, tính năng AWB tự động cân bằng của máy hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ánh sáng phức tạp, người dùng cần biết cách tùy chỉnh lại chế độ cân bằng trắng sao chu phù hợp với điều kiện ánh sáng của môi trường.
5. Tham khảo cách setup máy trong một số tình huống chụp phổ biến
Chụp ảnh phong cảnh/kiến trúc:
- Chọn chế độ đo sáng toàn khung,
- Chọn chế độ chụp A, khép khẩu sâu từ f5.6-f11, tùy chỉnh giá trị ISO sao cho tốc độ chụp đạt 1/30s trở lên
- Chọn chế độ lấy nét Auto
- Có thể bật chế độ HDR (tùy ý)
Đo sáng toàn khung, Iso 100, f11, 1/80, HDR - Ảnh: Duy ThànhChụp ảnh chân dung/tĩnh vật:
- Chọn chế độ đo sáng trung tâm (trong điều kiện ánh sáng tốt) hoặc đo sáng điểm (trong điều kiện thiếu sáng hoặc ngược sáng).
- Chọn chế độ chụp A/Av, mở khẩu từ f2.8-f4 (đối với indoor) hoặc f1.8-f2.8 (đối với outdoor), tùy chỉnh giá trị ISO sao cho tốc độ chụp đạt 1/60s trở lên.
- Chọn chế độ lấy nét AF-S (lấy nét một lần), lấy nét vào đôi mắt của đối tượng nếu chụp chân dung.
Chụp ảnh chuyển động nhanh: (thể thao, trẻ em,…)
- Chọn chế độ đo sáng trung tâm.
- Chọn chế độ chụp S/Tv, đặt giá trị tốc độ chụp từ 1/250s trở lên (tùy đối tượng), giá trị ISO để Auto.
- Chọn chế độ lấy nét AF-C (bám nét liên tục).
- Chọn kiểu chụp Continuos/MultiFrame (tùy ý).
Duy Thành