Trò đùa "dọa ma" nguy hiểm trên TikTok có thể gây sang chấn tâm lý trẻ nhỏ

T.Thủy

(Dân trí) - Một trò đùa nguy hiểm đang được lan truyền trên mạng xã hội TikTok có thể khiến những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý và gây ra những tác hại lâu dài.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok đang lan truyền một trò đùa mà đối tượng bị nhắm đến là những đứa trẻ.

Theo đó, những người tham gia trò đùa này sẽ bật sẵn máy quay, sau đó mở hiệu ứng âm thanh với tiếng cười rùng rợn trên ứng dụng TikTok rồi nhanh chóng bỏ chạy ra khỏi phòng, đóng chặt cửa để nhốt một hoặc nhiều em bé ở bên trong. Máy quay sẽ ghi lại toàn bộ phản ứng la hét, bật khóc… vì hoảng sợ của em bé khi bị nhốt trong phòng và nghe thấy tiếng cười ma quái, rùng rợn.

Những người thực hiện trò đùa sau đó sẽ đăng tải đoạn video ghi lại phản ứng của các em bé lên mạng xã hội TikTok như một "thành quả" của trò đùa.

Hình ảnh những đứa trẻ la hét, hoảng sợ vì trò đùa đang gây sốt trên TikTok (Ảnh chụp màn hình).

Hình ảnh những đứa trẻ la hét, hoảng sợ vì trò đùa đang gây sốt trên TikTok (Ảnh chụp màn hình).

Trò đùa này được bắt nguồn từ Naomi Neo, một TikToker nổi tiếng người Singapore với hơn 1,5 triệu người theo dõi. Naomi Neo đã đăng tải lên trang TikTok của mình đoạn video cho thấy cô thực hiện trò đùa với chính con trai 4 tuổi của mình.

Trong đoạn clip này, Naomi Neo cùng chồng đã bật hiệu ứng âm thanh tiếng cười ma quái trên TikTok, sau đó nhanh chóng chạy ra khỏi phòng, đóng chặt cửa và để con trai một mình trong phòng. Cậu bé khi nghe thấy tiếng cười ma quái đã rất hoảng sợ, lập tức bỏ chạy nhưng cửa phòng đã bị giữ chặt ở bên ngoài.

Đoạn clip đã thu hút hơn 23 triệu lượt xem trên TikTok. Trò đùa này đã nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng và lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người dùng TikTok khác đã học theo trò đùa của Naomi Neo để hù dọa những đứa trẻ trong gia đình.

Trong một số đoạn video, nhiều người thực hiện trò đùa thậm chí còn tạo thêm hiệu ứng bóng ma bay lơ lửng trên màn hình smartphone, kèm theo tiếng cười rùng rợn để dọa những đứa trẻ, sau đó chia sẻ video phản ứng của những đứa trẻ lên TikTok như một cách để "khoe thành tích".

Trò đùa nguy hiểm gây sang chấn tâm lý trẻ nhỏ

Trò đùa dọa ma trẻ em lan truyền trên TikTok đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều khác nhau trên cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng đây chỉ đơn thuần là một trò đùa vui và những đứa trẻ sẽ sớm quên đi trò đùa này để trở lại bình thường.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước trò đùa này vì họ lo ngại những đứa trẻ sẽ bị ám ảnh và sang chấn tâm lý khi bị hù dọa quá mức.

Theo tiến sĩ Bess de Guia, chuyên gia tư vấn tâm lý người Philippines, việc khơi dậy nỗi sợ hãi quá mức ở trẻ em có thể gây ra những sang chấn về tâm lý lâu dài. Một trò đùa tưởng chừng như vô hại nhưng nếu gây nên sợ hãi quá mức với trẻ em có thể gây nên các vấn đề về tâm lý như ám ảnh, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các cơn hoảng loạn.

Đừng để tâm lý của trẻ bị tổn thương chỉ vì một vài lượt nhấn

Đừng để tâm lý của trẻ bị tổn thương chỉ vì một vài lượt nhấn "Like" trên mạng xã hội (Ảnh minh họa: TRP).

Đối với trẻ nhỏ, việc bị người lớn bỏ rơi trong lúc cần thiết hoặc khi chúng đang hoảng sợ có thể khiến những đứa trẻ mất lòng tin vào cha mẹ và mất đi cảm giác an toàn khi ở cạnh cha mẹ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ.

Vì nỗi sợ hãi và mức độ sang chấn tâm lý ở trẻ em là khác nhau, một vài đứa trẻ có thể vượt qua được nỗi sợ và quên đi sự ám ảnh của trò đùa, nhưng một số trẻ em không thể vượt qua được và vẫn bị ám ảnh kéo dài bởi trò đùa này, khiến chúng luôn cảm thấy bất an và không dám ở một mình.

Không chỉ gây sang chấn về tâm lý, những đứa trẻ trong lúc hoảng loạn có thể bị ngã, vướng vào dây điện hoặc tự gây tổn thương cho chính mình mà người lớn đang ở bên ngoài không thể biết được.

Có thể nói, trò đùa dọa ma những đứa trẻ có thể mang lại tiếng cười cho người lớn, nhưng lại mang đến nỗi ám ảnh kéo dài mà không phải đứa trẻ nào cũng có thể vượt qua được. Do vậy, đừng để những trò đùa độc ác, vô nghĩa làm ảnh hưởng đến tâm lý, sự ngây thơ và trong sáng của những đứa trẻ… chỉ vì một vài cái "Like" trên mạng xã hội.