Trí tuệ nhân tạo trở thành "tay sai" giúp tin tặc viết mã độc, công cụ hack

T.Thủy

(Dân trí) - Trí tuệ nhân tạo đã trở thành công cụ đắc lực của tin tặc để tạo ra mã độc, công cụ tấn công hệ thống máy tính. Điều này khiến không ít người lo ngại về những hậu quả do trí tuệ nhân tạo gây ra.

Các chuyên gia của hãng nghiên cứu bảo mật Check Point (Israel) đã khiến nhiều người lo ngại khi cảnh báo tin tặc đang lợi dụng ChatGPT, một trong những phần mềm trí tuệ nhân tạo được đánh giá là thông minh nhất hiện nay, để xây dựng mã độc và các công cụ hack.

Check Point cho biết một tin tặc đã chia sẻ lên diễn đàn nổi tiếng dành cho hacker một mã độc dành cho nền tảng Android, mà theo hacker này được lập trình bởi trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Mã độc này có khả năng lây nhiễm lên smartphone chạy Android để lấy cắp dữ liệu.

Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo có thể trở thành

Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo có thể trở thành "tay sai" giúp tin tặc phát triển các loại mã độc nguy hiểm (Ảnh minh họa: Getty).

Hacker này cũng đã trình diễn một mã độc khác được viết bởi ChatGPT, có khả năng xâm nhập vào máy tính để mở cửa hậu, cho phép tin tặc có thể âm thầm xâm nhập vào máy tính hoặc cài đặt thêm các loại mã độc khác nhau lên thiết bị.

Một số hacker khác trong diễn đàn này cho biết họ đã từng sử dụng ChatGPT để lập trình các phần mềm theo nhu cầu của mình, thay vì viết mã độc. Về cơ bản, mã độc cũng là một dạng phần mềm, do vậy ChatGPT hoàn toàn có thể viết nên các loại mã độc do trí tuệ nhân tạo này có khả năng học hỏi cách lập trình từ con người.

Check Point lo ngại rằng từ những đoạn mã độc do ChatGPT viết ra, tin tặc có thể can thiệp để sửa đổi mã lập trình nhằm tăng mức độ nguy hiểm và khả năng phát tán, khiến mã độc trở nên nguy hiểm hơn. Các chuyên gia bảo mật lo ngại ChatGPT có thể trở thành công cụ đắc lực của tin tặc để rút ngắn thời gian phát triển các loại mã độc nguy hiểm.

"Các loại mã độc do ChatGPT xây dựng hiện vẫn còn khá cơ bản, nhưng chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi trí tuệ nhân tạo này nâng cao khả năng lập trình và hacker có thể lợi dụng ChatGPT cho mục đích xấu", các chuyên gia bảo mật của Check Point cảnh báo.

Phát hiện của Check Point đã khiến nhiều người lo ngại, khi viễn cảnh trí tuệ nhân tạo bị lợi dụng và trở thành tay sai của kẻ xấu giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện tại hãng phần mềm OpenAI, "cha đẻ" của ChatGPT, vẫn chưa đưa ra bình luận gì về phát hiện của Check Point. Trước đó, OpenAI cho biết đã triển khai một số biện pháp kiểm soát để ngăn chặn ChatGPT bị lợi dụng để xây dựng các phần mềm gián điệp, tuy nhiên, có vẻ như các biện pháp do OpenAI áp dụng vẫn chưa phát huy hiệu quả.

ChatGPT là trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi OpenAI, công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ). Được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11/2022, ChatGPT lập tức thu hút sự chú ý của dư luận khi có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát các câu hỏi của người dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với độ chính xác rất cao.

ChatGPT có thể giải thích những khái niệm cao siêu một cách dễ hiểu, dễ dàng viết một bài tiểu luận, soạn email, viết kịch bản cho một bộ phim hay thậm chí lập trình phần mềm theo yêu cầu của người dùng... Nhiều trường đại học tại Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để giúp giải bài tập hoặc viết tiểu luận, tuy nhiên các giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện các bài luận có phải do ChatGPT viết hay không.

Theo BComputer/DTrends