Tổng chi phí linh kiện của iPhone 12 chiếm chưa đến một nửa giá bán
(Dân trí) - Tổng chi phí các linh kiện để lắp ráp nên loạt iPhone 12 của Apple chưa bằng một nửa giá bán của những sản phẩm này trên thị trường.
Thông thường, các smartphone "bom tấn" sau khi được bán ra thị trường sẽ được các chuyên gia công nghệ "mổ xẻ" để khám phá linh kiện bên trong cũng như đánh giá kinh phí của toàn bộ linh kiện tạo nên sản phẩm.
Mới đây, Fomalhaut Techno Solutions, công ty chuyên nghiên cứu về linh kiện của các thiết bị điện tử, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), cũng đã tiến hành "mổ xẻ" bộ đôi iPhone 12 và iPhone 12 Pro mới của Apple để định giá tổng chi phí linh kiện tạo nên 2 mẫu smartphone này.
Cụ thể, Apple đã mất tổng cộng 373 USD chi phí linh kiện để tạo nên chiếc iPhone 12, với giá bán khởi điểm 829 USD. Tương tự, tổng chi phí linh kiện của iPhone 12 Pro là 406 USD, trong khi sản phẩm có giá bán khởi điểm 999 USD. Như vậy, tổng chi phí linh kiện để tạo nên iPhone 12 và 12 Pro chưa bằng một nửa giá bán của sản phẩm.
Trong đó, phần linh kiện đắt nhất trên bộ đôi iPhone 12 và 12 Pro là mode Snapdragon X55 5G do Qualcomm cung cấp, chịu trách nhiệm mang kết nối 5G cho sản phẩm, với mức giá 90 USD. Đắt thứ 2 trong số các linh kiện của iPhone 12 và 12 Pro là màn hình OLED do Samsung cung cấp, với mức giá 70 USD.
Chip A14 Bionic "cây nhà lá vườn" do Apple phát triển là phần linh kiện có giá thành đắt thứ 3, với mức giá 40 USD, tiếp theo đó là bộ nhớ lưu trữ và bộ nhớ RAM, với mức giá lần lượt 19,2 USD và 12,8 USD. Bộ đôi iPhone 12 của Apple sử dụng một số cảm biến hình ảnh do Sony cung cấp, với mức giá lần lượt từ 5,4 USD đến 7,4 USD.
Các đối tác công nghệ của Apple đến từ Hàn Quốc chiếm 26,8% tổng chi phí linh kiện của iPhone 12, tiếp theo đó là các công ty của Mỹ với 21,9% và Nhật Bản với 13,6% tổng chi phí linh kiện. Trong khi đó, quá trình lắp ráp và hoàn thiện cuối cùng của iPhone 12 được thực hiện tại Trung Quốc, nhưng các đối tác của Apple tại Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 5% tổng chi phí linh kiện cung cấp cho iPhone 12.
Các phiên bản iPhone trước đây, tổng chi phí linh kiện cũng chỉ tương đương 45% so với giá bán của sản phẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây mới chỉ là chi phí về linh kiện phần cứng, trong khi tổng chi phí của thiết bị còn phải kể đến chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ, chi phí lắp ráp phần cứng, phát triển phần mềm, marketing, phân phối sản phẩm ra thị trường...
Một điều đặc biệt đó là chi phí linh kiện để sản xuất các phiên bản iPhone với bộ nhớ lưu trữ lớn hơn sẽ cao hơn, nhưng mức chênh lệch không đáng kể. Do vậy, nếu người dùng mua iPhone phiên bản bộ nhớ càng lớn, Apple sẽ thu được càng nhiều lợi nhuận, bởi lẽ dây chuyền sản xuất iPhone với các phiên bản bộ nhớ là như nhau, Apple chỉ việc thay đổi đôi chút về bộ nhớ lưu trữ trên thiết bị mà không cần phải thay đổi dây chuyền sản xuất hay phải thiết kế lại bo mạch bên trong thiết bị, trong khi mức giá linh kiện của bộ nhớ lưu trữ 64GB, 256GB hay 512GB là không chênh nhau nhiều, nhưng mức giá của các phiên bản iPhone lại chênh lệch nhau đáng kể.