Chấm Chung khảo NTĐV 2013:

“Toát mồ hôi” trước câu hỏi của những vị giám khảo

(Dân trí) - Căng thẳng, kịch tính là không khí buổi bảo vệ sản phẩm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Dù có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhiều nhóm tác giả cũng không khỏi run tay, toát mồ hôi trước các giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013 được chia làm 3 hội đồng nhỏ.

Những giám khảo tham gia phản biện, thẩm định, đánh giá các sản phẩm đều là những nhà khoa học lớn, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay.
Hội đồng giám khảo sản phẩm CNTT thành công gồm: TS Phùng Văn Ổn - Giám đốc Trung tâm tin học (Văn phòng Chính phủ), PGS.TS Hoài Bắc - Phó trưởng khoa CNTT (Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM), PGS.TS Nguyễn Minh Dân - Ủy viên Hội đồng thành viên VNPT, ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, TS Hoàn Quốc Lập, Viện trưởng Viện Tin học nhân dân, TS Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam.

“Toát mồ hôi” khi đối diện những vị giám khảo khó tính

Đại diện nhóm tác giả sản phẩm “Cổng Thông tin thực tập cầu nối sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp www.internship.edu.vn” bảo vệ sản phẩm của mình.

Các giám khảo phản biện sản phẩm CNTT triển vọng gồm: GS.TSKH Nguyễn Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Viện trưởng Viện CNTT (ĐH Bách khoa Hà Nội), TS Trần Quý Nam (Vụ CNTT), TS Nguyễn Viết Thế - Tổng Thư ký VIA, ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng Thư ký VECOM, TS Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, TS Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số.

chùm ảnh

Ở hệ thống sản phẩm ứng dụng trên các thiết bị di động, các giám khảo gồm: PGS.TS Lương Chi Mai - Phó Viện trưởng Viện CNTT, TS Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện CNPM&NDS, TS Hồ Sỹ Lợi (Cục ứng dụng CNTT), ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch VFOSSA, PGS.TS Hoài Bắc - Phó trưởng khoa CNTT (Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM), PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Viện trưởng Viện CNTT (ĐH Bách khoa Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Minh Dân - Ủy viên Hội đồng thành viên VNPT.

Phần bảo vệ sản phẩm của mỗi nhóm sẽ kéo dài 45 phút. Mỗi tác giả, nhóm tác giả sẽ có tối đa 25 phút để trình bày những tính năng, ưu điểm của sản phẩm nhóm mình trước các giám khảo. 20 phút còn lại, Hội đồng giám khảo sẽ “quay” từng nhóm với những câu hỏi hóc búa.
Ở nhóm dự thi sản phẩm CNTT triển vọng, Giám khảo luôn đưa ra các câu hỏi rất thực tế về tiềm năng phát triển sản phẩm. Những câu hỏi của giám khảo Hoàng Lê Minh, Nguyễn Long, Nguyễn Thanh Hưng... luôn khiến tác giả bất ngờ.
Giám khảo không hỏi nhiều về nền tảng công nghệ, chủ yếu đưa ra những câu hỏi về tính thực tế, về khả năng phát triển và sự tương tác của sản phẩm đối với các yêu cầu xã hội.
Các sản phẩm trong nhóm này liên quan tới hóa đơn điện tử, giáo dục, sách trẻ em, giám sát vận chuyển giao thông qua GPS... vì rất thiết thực với cuộc sống hàng ngày nên phát sinh nhiều vấn đề. Giám khảo phân tích cho tác giả thấy những vấn đề phải xử lý khi đưa sản phẩm ra công chúng. 
Giám khảo đưa ra không ít câu hỏi làm khiến tác giả lúng túng.

Nhóm tác giả sản phẩm Bizweb thực hiện phần bảo vệ của mình.

Nhóm tác giả sản phẩm Bizweb thực hiện phần bảo vệ của mình.

Tại hội đồng sản phẩm thành công, nhóm tác giả sản phẩm “Giải pháp phần mềm bán hàng online trên nền tảng điện toán đám mây Bizweb” không chỉ được các giám khảo quan tâm về hạ tầng công nghệ, phí dịch vụ… mà còn bị “xoay” nhiều về những tính năng tốt hơn các sản phẩm tương tự đã có mặt trên thị trường.

“Các bạn tỏ ra khá lạc quan khi số lượng người dùng đang tăng trưởng tốt. Song, hiện nay, mặt bằng dân trí đang được tăng lên, mỗi cơ quan sẽ có thể tự tạo cho mình những trang web riêng. Liệu sự lạc quan của các bạn có thực tế không?” - một vị giám khảo đặt nghi vấn khiến nhóm tác giả khó trả lời.

 
Các giám khảo tỏ ra khá khó tính trong phần phản biện.
Các giám khảo tỏ ra khá khó tính trong phần phản biện.

Ngoài ra, tính bảo mật của sản phẩm Bizweb cũng được các giám khảo khá quan tâm khi mà không phải người dùng nào cũng muốn chia sẻ thông tin về dữ liệu của mình được lưu trữ…

Ở hội đồng phản biện sản phẩm ứng dụng cho các thiết bị di động, các giám khảo kiểm tra rất kỹ các tính năng, ứng dụng thực tế của các sản phẩm, đặc biệt là việc sản phẩm có thể được ứng dụng trên các hệ điều hành khác nhau.

Phần bảo vệ của nhóm tác giả sản phẩm SnapNSee.

Phần bảo vệ của nhóm tác giả sản phẩm SnapNSee.

Phản biện sản phẩm “Phần mềm tra cứu siêu nhanh cho điện thoại thông minh dùng camera là thiết bị nhập SnapNSee”, các giám khảo băn khoăn về khả năng nhận dạng chữ của sản phẩm này ở khoảng cách khác nhau.

“Hơn nữa, chữ Việt có dấu, lại còn có những từ ghép, nếu tách ra từng chữ thì sẽ có nghĩa khác nhau… Các bạn có tham khảo những công trình liên quan đến nhận dạng chữ Việt không?” - TS Lương Chi Mai đặt câu hỏi.

Các giám khảo chăm chú theo dõi phần demo của sản phẩm.

Các giám khảo chăm chú theo dõi phần demo của sản phẩm.

Trong phần demo sản phẩm này, các tác giả tỏ ra khá run tay khi thực hiện cho chiếc smartphone của mình nhận dạng các chữ tiếng Anh, tiếng Việt và nhận dạng nghĩa qua Wikimepia.

Nhóm tác giả sản phẩm “Cổng Thông tin thực tập cầu nối sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp www.internship.edu.vn” (Công ty đầu tư giáo dục trí tuệ tài năng) - sản phẩm triển vọng - được các giám khảo “soi” kỹ về tính bảo mật, an ninh và tính xác thực của sản phẩm.

chùm ảnh

Một giám khảo băn khoăn: “Đây là sản phẩm có tiềm năng ứng dụng, tôi quan tâm nhiều đến tổ chức về cơ sở dữ liệu của sản phẩm khi mà số lượng hồ sơ ngày càng tăng lên.”

Khá tự tin sau phẩn bảo vệ sản phẩm của mình, anh Nguyễn Huy Hoàng, trưởng nhóm tác giả sản phẩm internship, cho biết: “Ý kiến của các thầy rất đích xác, thiết thực. Một trong những ý kiến đó đã có trong dự kiến của chúng tôi. Mỗi dự án có một mục đích riêng và những ưu tiên để thực hiện từng giai đoạn của dự án đó. Thực hiện thành công giai đoạn này chúng tôi mới tiếp tục phát triển, hoàn thiện các ưu tiên khác.”

chùm ảnh

Nói về việc tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, anh Hoàng chia sẻ: “Đoạt giải hay không còn phụ thuộc vào may mắn nữa. Song, thành công lớn nhất của chúng tôi là đã để các thầy, những chuyên gia hàng đầu về CNTT, biết được tiềm năng ứng dụng của sản phẩm. Đó là niềm khích lệ để chúng tôi hoàn thiện sản phẩm, đưa đến cộng đồng.”

Nhóm PV