Tiếp bước Apple, Amazon trở thành hãng công nghệ thứ 2 cán mốc giá trị "nghìn tỷ USD"

(Dân trí) - Không lâu sau khi Apple trở thành hãng công nghệ đầu tiên trong lịch sử cán mốc giá trị nghìn tỷ USD, hãng thương mại điện tử Amazon cũng đã chạm đến cột mốc quan trọng này.

Giá cổ phiếu của Amazon đã tăng thêm 2% vào trưa ngày hôm qua (4/9) theo giờ Mỹ, giúp cổ phiếu của Amazon lên mức cao nhất trong lịch sử, 2.050,50USD/cổ phiếu. Mức giá cổ phiếu này đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của Amazon cán mốc 1.000 tỷ USD, giúp cho Amazon trở thành hãng công nghệ thứ 2 (sau Apple) và công ty đại chúng thứ 3 trong lịch sử (sau PetroChina và Apple) cán mốc giá trị nghìn tỷ USD.

Sau Apple, Amazon cũng đã đạt được cột mốc nghìn tỷ USD
Sau Apple, Amazon cũng đã đạt được cột mốc nghìn tỷ USD

Tuy nhiên không lâu sau khi đạt được cột mốc quan trọng này, giá cổ phiếu của Amazon đã lại sụt giảm nhẹ. Hiện tại giá trị cổ phiếu của Amazon ở mức 2.039,51USD/cổ phiếu, giúp cho tổng giá trị vốn hóa của công ty đạt mức 994,74 triệu USD. Các chuyên gia phân tích thị trường dự đoán giá cổ phiếu của Amazon sẽ tăng trưởng trở lại trong thời gian tới để giúp công ty quay trở lại cột mốc nghìn tỷ USD và sẽ nắm vững cột mốc này.

Mặc dù Amazon đã không thể đánh bại Apple để trở thành hãng công nghệ đầu tiên cán mốc nghìn tỷ USD, Amazon lại mất ít thời gian hơn để đạt được cột mốc quan trọng này. Cụ thể Amazon đã mất 165 ngày để tăng giá trị vốn hóa của công ty từ 600 triệu USD lên 1.000 tỷ USD, trong khi đó Apple đã phải mất đến 183 ngày chỉ để tăng giá trị công ty từ 900 triệu USD lên 1.000 tỷ SSD.

Sở dĩ Amazon có tốc độ tăng trưởng giá trị vốn hóa nhanh hơn so với Apple bởi sự đa dạng trong lĩnh vực kinh doanh. Trong khi iPhone được xem là sản phẩm chủ đạo để mang lại giá trị cho Apple, thì Amazon lại bao gồm nhiều mảng kinh doanh như thương mại điện tử, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, truyền hình trực tuyến... trong đó thương mại điện tử và điện toán đám mây là hai mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho Amazon trong thời gian qua.

Nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng như hiện nay, Amazon hoàn toàn có khả năng vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Nhờ Amazon, Jeff Bezos đã trở thành người giàu nhất trong lịch sử nhân loại
Nhờ Amazon, Jeff Bezos đã trở thành người giàu nhất trong lịch sử nhân loại

Sự thành công của Amazon đã giúp cho nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của công ty, Jeff Bezos, trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay và cũng là người giàu nhất trong lịch sử, với khối tài sản ước tính lên đến 164,7 tỷ USD.

Những cột mốc đáng nhớ trên hành trình trở thành hãng công nghệ nghìn tỷ USD của Amazon

- Năm 1994: Jeff Bezos thành lập Amazon. Bezos lựa chọn cái tên này cho công ty theo tên con sông Amazon, một trong những con sông lớn nhất trên thế giới và hy vọng Amazon sẽ trở thành cửa hàng sách lớn nhất thế giới.

- Năm 1995: Mảng kinh doanh đầu tiên của Amazon là sách khi hãng mở cửa hàng sách đầu tiên tại Mỹ.

- Năm 1997: Amazon lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với mức giá 18USD/cổ phiếu.

- Năm 1998: Amazon mở rộng mảng kinh doanh, thay vì chỉ bán sách, công ty còn bán thêm cả nhạc, phim, thiết bị điện tử, máy chơi game...

- Năm 2000: Amazon giới thiệu logo chính thức của hãng và là logo nổi tiếng được sử dụng cho đến ngày nay. Biểu tượng logo của Amazon là một nụ cười, nhưng cũng là mũi tên chỉ từ ký tự A đến ký tự Z trong tên của công ty, với ý nói công ty sẽ kinh doanh tất cả mọi sản phẩm, từ A đến Z.

Logo của Amazon không chỉ mang ý nghĩa nụ cười của khách hàng, mà còn mang hàm ý kinh doanh mọi sản phẩm từ A đến Z
Logo của Amazon không chỉ mang ý nghĩa nụ cười của khách hàng, mà còn mang hàm ý kinh doanh mọi sản phẩm từ A đến Z

- Năm 2001: Amazon lần đầu tiên làm ăn có lãi, chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng mô hình kinh doanh của công ty là đúng đắn.

- Năm 2002: Amazon ra mắt dịch vụ Amazon Web Services, sau này được phát triển thành dịch vụ đám mây, một trong những mảng kinh doanh có lợi nhuận lớn nhất của Amazon.

- Năm 2006: Amazon ra mắt dịch vụ Fulfillment by Amazon, một dịch vụ vận tải cạnh tranh với các đối thủ như UPS hay FedEx.

- Năm 2007: Amazon ra mắt máy đọc sách Kindle e-reader đầu tiên, một động thái được xem là gây khó dễ cho ngành xuất bản truyền thống.

- Năm 2012: Amazon tiếp tục lấn sâu vào lĩnh vực thiết bị di động khi ra mắt máy tính bảng Amazon Fire HD.

- Năm 2014: 2 năm sau đó, Amazon ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của mình, Fire Phone. Tuy nhiên đây là một sản phẩm thất bại và bị khai tử chỉ một năm sau đó.

- Năm 2015: Amazon ra mắt loa thông minh Echo, tích hợp trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo để có thể đáp ứng yêu cầu của con người bằng giọng nói. Echo giúp Amazon nhanh chóng vươn lên thống trị thị trường loa thông minh.

- Năm 2017: Hãng sản xuất và phát hành phim Amazon Studios (công ty con của Amazon) nhận được đề cử giải Oscar cho bộ “Manchester By the Sea”.

Cuối năm 2017, Amazon mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Whole Foods là chuỗi siêu thị chuyên kinh doanh và bán lẻ thực phẩm, giúp Amazon mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình.

- Năm 2018: Amazon cán mốc giá trị nghìn tỷ USD và tiếp tục đà tăng trưởng của mình.

T.Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm