Tiền kiếm trên Youtube: Nhiều hay ít?

(Dân trí) - Một số nhà sáng tạo nội dung trên Youtube tại Việt Nam cho rằng, tiền kiếm được trên Youtube chỉ đủ để khích lệ tinh thần cho người làm nội dung. Nhưng đằng sau đó, họ có nhiều mối quan hệ, những hợp tác công việc mà họ chưa từng tưởng tượng ra.

Số tiền thực tế mà Youtube trả cho người Việt nhiều không?

Một số nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam cho biết thị trường Việt nằm trong những quốc gia có mức chi trả quảng cáo trung bình nên số tiền nhận được từ các video có chấp nhận xuất hiện quảng cáo cực thấp.

Chẳng hạn, 1000 views của 1 video trung bình của Việt Nam vào khoảng 0,2 USD (chưa đến 5 ngàn đồng), thấp hơn đáng kể so với một số khu vực khác trên thế giới. Như ở Mỹ, 1000 lượt xem cho video có thể đem về doanh thu cho người làm nội dung đến 1 USD, gấp hơn 5 lần so với con số chi trả cho thị trường Việt.

Điều này cũng được lý giải bởi doanh thu quảng cáo đến từ Youtube được chi trả theo từng khu vực địa lý khác nhau. Mức chi trả quảng cáo phụ thuộc vào các doanh nghiệp, từng khu vực để chi trả phù hợp.

Một số nhà sáng tạo nội dung trên Youtube gặp gỡ vào sáng nay 19/7
Một số nhà sáng tạo nội dung trên Youtube gặp gỡ vào sáng nay 19/7

Trong buổi nói chuyện với các nhà sáng tạo nội dung Việt trong lĩnh vực giáo dục tại TPHCM vào sáng 19/7, hầu như đều chia sẻ rằng, doanh thu đến từ Youtube không cao và họ không đặt mua tiêu là kiếm tiền từ Youtube.

Tài khoản Bội Ngọc Piano - Kênh chuyên hướng dẫn học về piano với hơn 37 ngàn lượt theo dõi cũng cho biết, đến thời điểm này, một tháng thu nhập mà Youtube trả cho tài khoản này chỉ vào khoảng từ 80 đến 100 USD (Từ 2 triệu đồng). "Đây là một con số đủ để khích lệ tinh thần cho người làm nội dung". Bội Ngọc cho biết.

Tài khoản Thùy Uyên, một kênh video hướng dẫn sử dụng Photoshop trên Youtube bắt đầu từ năm 2015 (có 37 ngàn người theo dõi) cũng cho biết tương tự, mức tiền có được từ Youtube là không nhiều. Tuy nhiên, đằng sau đó, những cái "bắt tay", những mối quan hệ mới được mở rộng và có những hợp tác làm việc khác.

Vậy tiền đến từ đâu cho các nhà sáng tạo Youtube?

Tài khoản Thùy Uyên cho biết: "Ban đầu mình tìm đến với Youtube chỉ với mục đích duy nhất đó là chia sẻ lại kinh nghiệm của mình bằng hình thức video (kiểu như viết blog theo dạng video) cho các bạn cùng sở thích. Nhưng trên hết, mục đích chính vẫn là tập trung để rèn luyện thêm kỹ năng, ôn lại các kiến thức đã học để không bị thời gian làm cho lãng quên".

Tuy nhiên, khi những video được tải lên, Uyên nhận được những phản hồi tích cực, những người cùng sở thích theo dõi, từ đó tạo ra nhiều mối quan hệ mới cũng như công việc mới. Uyên tâm sự: "Từ khi bước chân vào Youtube, Uyên gặp gỡ được nhiều người cùng sở thích, đam mê. Ban đầu chỉ tưởng rằng tải lên những clip để lưu trữ và thực hành lại các kỹ năng của mình để không bị lãng quên, nhưng không ngờ nhận được sự quan tâm từ nhiều người bạn trên mạng. Nhiều người cùng sở thích, nhiều yêu cầu ngày một nhiều cho mình, nên mình đã tạo ra thêm nhiều video hướng dẫn, chia sẻ kỹ năng xử lý dựa vào kinh nghiệm đi làm, dần dần mình trở thành người giảng dạy nội dung này trên Youtube từ lúc nào không biết. Không chỉ có thêm những bạn mới, Uyên còn được nhiều đơn vị biết đến nhờ các video chia sẻ trên kênh mình. Từ đó nhận được một số đơn vị mời đến chia sẻ, giảng dạy kinh nghiệm cho các bạn trẻ học đồ họa. Rồi Uyên mở lớp hướng dẫn, đào tạo các bạn từ những kinh nghiệm thực tế từ khi đi làm có được. Điều này gia tăng thu nhập và công việc thêm cho mình".

Những video là cấu nối giúp Bội Ngọc kết nối với nhiều người cùng sở thích cũng như các học trò hiện nay
Những video là cấu nối giúp Bội Ngọc kết nối với nhiều người cùng sở thích cũng như các học trò hiện nay

Tài khoản Bội Ngọc Piano cũng cho biết: "Thật sự ban đầu mình chỉ up những video để thỏa niềm đam mê của mình đối với bộ môn nghệ thuật này. Mình chia sẻ các video đánh đàn piano của mình và thật không ngờ nhận được những phản hồi tích cực, tạo động lực cho mình đưa ra những video có chất lượng tốt hơn".

Bội Ngọc cũng cho rằng, Youtube đã thay đổi và định hướng nghề nghiệp cho bạn. "Mình học đại học Ngoại Thương, tưởng rằng sẽ đi làm một công việc liên quan đến ngành học. Nhưng thực tế khác xa so với suy nghĩ trước đó. Từ khi bén duyên với Youtube, những bản đàn piano của mình được nhiều người đón nhận. Nhiều bạn cùng sở thích đã gửi rất nhiều yêu cầu hãy hướng dẫn các bạn. Điều này đã kích thích mình để mình tạo ra các video hướng dẫn chơi piano cho hầu hết người xem. Và rồi, mình bén duyên với việc dạy đàn online rồi mở công ty dạy piano cho đến thời điểm này. Vừa thỏa đam mê lại vừa chia sẻ thêm kinh nghiệm và tạo ra giá trị cũng như doanh thu cho mình". Bội Ngọc cho biết.

Một nhà sáng tạo nội dung khác cũng cho biết, doanh thu thực tế đến từ rất nhiều nguồn, từ quảng cáo mà doanh nghiệp thuộc lĩnh vực liên hệ trực tiếp hoặc từ các mối quan hệ có được khi xây dựng kênh. "Những kênh có chất lượng, những nội dung sáng tạo nó sẽ tạo ra nhiều giá trị cho người xem, đó cũng là cách để cho doanh nghiệp để ý đến. Bởi những kênh có chất lượng tốt, lượt theo dõi cao thì doanh nghiệp sẽ không dễ dàng bỏ qua. Bởi chi phí sẽ không lớn nhưng nhắm đến đối tượng người dùng thực sự, người quan tâm đến lĩnh vực mà doanh nghiệp đang nhắm đến. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho các nhà sáng tạo Việt".

Thách thức ở đây mà nhà sáng tạo này cho biết, đó là sáng tạo nội dung, làm sao để thu hút được người xem nhưng vẫn giữ được bản chất riêng. "Giả sử dạy anh văn trên Youtube, chỉ cần tìm kiếm sẽ ra rất nhiều nhà sáng tạo khác nhau cùng dạy tiếng Anh. Ở mỗi nhà sẽ có một cách dạy riêng biệt, nhưng nhìn kỹ vào từng nhà sáng tạo một, người nào tạo được sự khác biệt, sự sáng tạo do chính chất xám của họ, những nội dung chất lượng... sẽ luôn có lượt theo dõi cao và lượng fan nhất định cũng như sự quan tâm của các doanh nghiệp, đối tác. Còn đối với những người làm chập giựt, chỉ hòng kiếm tiền từ Youtube và sử dụng những nguồn do người khác sáng tạo ra đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khó lòng trụ vững".

Theo anh Diệp Bảo Quốc Thái, tài khoản Microsoft MCSA/MCSE Learning Channel - Kênh chuyên về các kỹ năng Microsoft cho biết, không cần quá cầu kỳ, không cần video quá chuyên nghiệp, chỉ cần những chia sẻ thực sự từ chính con người mình, sẽ tạo ra những giá trị riêng cho mình và cho xã hội.

"Thực sự hầu như mọi người đều rất mong muốn nghe được những kinh nghiệm thực tế đã trải qua, những giải pháp cũng như cách giải quyết vấn đề trong từng lĩnh vực. Những kinh nghiệm này chắc chắn sẽ không thể có được đối với những bạn trẻ chưa từng đi làm, hay vẫn đang ngồi ghế nhà trường. Do đó, không cần quá cầu kỳ, không cần video quá chuyên nghiệp, chỉ cần những chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng thực tế, sẽ giúp ích rất nhiều cho nhiều người dùng, tạo ra cái riêng cho mình và tạo ra giá trị cho xã hội".

Thiết nghĩ, đối với những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì chia sẻ những video vi phạm bản quyền, những video vi phạm thuần phong mỹ tục... hãy tạo ra những video mang tính xây dựng, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội hơn. Những video không chỉ giúp cho ích cho tất cả mọi người mà còn giúp ích cho chính gia đình và con cái của bạn. Và từ đó, bạn sẽ có những mối quan hệ những sự hợp tác và công việc mới bất cứ lúc nào mà bạn không ngờ tới!

Một điều cũng đáng mừng rằng, người Việt xem video về nội dung liên quan giáo dục đứng thứ 2 khu vực châu Á Thái Bình Dương trên Youtube, chỉ sau Ấn Độ (Dẫn thống kê từ Youtube). Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy, người dùng châu Á, nhất là Việt Nam hiện nay, họ đến với các kênh video không chỉ để giải trí mà nội dung họ thực sự quan tâm đó là các nội dung về giáo dục, những bài giảng, những chia sẻ kinh nghiệm học tập... Sẽ góp phần không nhỏ trong việc trao dồi kỹ năng sống cũng như định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.

Gia Hưng