Thị trường viễn thông có thể quay lại thời kỳ… “cuộc chiến khuyến mại”
Nếu quy định về thời gian khuyến mại đối với nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm được xóa bỏ, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ quay lại thời kỳ của những “cuộc chiến khuyến mại”.
Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, đã có nhiều điều khoản được sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, đáng chú ý, tại Điều 9 của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 37, đã được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 9. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)”.
Ngoài phương phương án 1 theo Nghị định cũ là: Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày, thì Dự thảo còn bổ sung thêm “Phương án 2: Bỏ khoản này”. Tức bỏ phương án 1.
Trong trường hợp “Phương án 2” được lựa chọn thì các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có dịch vụ viễn thông, sẽ được khuyến mại “quên ngày tháng” mà không lo bị vị phạm quỵ định vượt quá 90 ngày như Nghị định 37 trước đó. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra lo ngại về một thị trường viễn thông chạy đua về khuyến mại, giảm giá – vốn được xem là những yếu tố của một thị trường phát triển thiếu tính bền vững và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ thị trường.
Gần đây nhất, cuối năm 2016, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra quyết định xử phạt 5 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile với tổng số tiền bị xử phạt là hơn 1 tỷ đồng do để xảy ra nhiều sai phạm về giá cước và khuyến mại, đồng thời cục này cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên phải dừng khuyến mại đến hết năm 2016 do đã thực hiện khuyến mại hết 90 ngày. Tuy nhiên, sau đó, một số mạng vẫn “vượt rào” thực hiện khuyến mại.
Thực tế, nhiều năm trước, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2009 - 2015, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã bất chấp quy định đã chạy đua thực hiện những đợt khuyến mại khủng, cả về hạn mức khuyến mại và thời gian khuyến mại, dẫn đến tình trạng SIM rác tràn lan trên thị trường, kéo theo đó là vấn nạn tin nhắn rác và nguy cơ mất an ninh an toàn xã hội.
Mặt khác, cuộc đua khuyến mại giữa các nhà mạng dẫn đến doanh thu trên thuê bao (ARPU) bị sụt giảm, và thậm chí các chương trình khuyến mãi của các mạng di động khi đó còn có biểu hiện của khuyến mại bán phá giá theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”.
Trên thế giới, hiếm có thị trường viễn thông nào lại cạnh tranh bằng “cuộc chiến khuyến mại” mạnh mẽ như thị trường Việt Nam như những năm trước đây, vì, việc cạnh tranh theo kiểu phá giá, khuyến mại triền miên sẽ khiến thị trường bị méo mó, thậm chí có thể dẫn đến những sự phá vỡ cấu trúc thị trường, phá sản doanh nghiệp. Chính bởi vậy, trước cuộc đua khuyến mại khốc liệt của các doanh nghiệp viễn thông, đã rất nhiều lần, nhiều năm, Cục Viễn thông phải ra quyết định yêu cầu các nhà mạng phải dừng khuyến mại (vì vi phạm các quy định về quản lý) để ổn định và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 37, ngoài quy định “mở cửa về thời gian khuyến mại”, đáng chú ý, Dự thảo cũng quy định về chương trình khuyến mại tập trung, trong đó cho phép khuyến mại với mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại có thể lên đến 70% (trước đó hạn mức tối đa là 50%).
Với hạn mức khuyến mại này cùng việc không giới hạn thời gian khuyến mại (nếu nội dung dự thảo được thông qua), thị trường viễn thông Việt Nam có thể sẽ đứng trước một cuộc chiến mới – cuộc chiến khuyến mại trường kỳ. Các doanh nghiệp viễn thông có thể chạy đua khuyến mại quanh năm, với các mức khuyến mại khủng để tìm cách thu hút thuê bao và tạo cơ sở để đưa thị trường viễn thông trở lại cuộc đua về giá.
PV