Thị trường di động tầm trung lên ngôi, hàng cao cấp "ế ẩm"

(Dân trí) - Trái ngược với thị trường vài năm qua, đầu năm 2018, sức mua hàng cao cấp sụt giảm mạnh, nhiều người dùng lựa chọn hàng trung cấp với nhiều tính năng thú vị hơn và giá cả phải chăng hơn.

Hàng cao cấp ế ẩm vì thiếu đột phá

Thông thường vài năm trở lại đây, sức mua mặt hàng cao cấp khá ổn trong quý I bởi có nhiều sản phẩm cao cấp cùng lúc ra mắt, khuấy động thị trường. Minh chứng trong năm 2017 là mẫu Galaxy S8 với sức mua gấp 3 lần so với thế hệ Galaxy S7 khi mới ngày đầu tiên bán ra. Đại diện Samsung Vina thời điểm đó cũng cho biết, đây là số lượng đặt hàng vượt ngưỡng kỳ vọng. Một vài tháng sau đó, sức mua mặt hàng này còn tiếp tục tăng mạnh, qua đó giúp cho thị trường cao cấp sôi động hơn hẳn.

Tuy nhiên, năm nay thì lại khác, sức mua trong 3 tháng đầu năm nay chậm đi đáng kể. Nhà bán lẻ Thế giới Di động cho biết, sức mua mặt hàng cao cấp đang giảm mạnh, ít người quan tâm hơn.

Một nhà bán lẻ khác cũng nói rằng, năm nay các mặt hàng cao cấp không có nhiều đột phá, hầu như đều chỉ nâng cấp đôi chút mà giá lại đẩy lên cao hơn nhiều thế hệ cũ khiến cho người dùng chẳng mặn mà để mua sắm. Thế hệ Galaxy S9 cũng không tạo ra được "cơn sốt" như phiên bản Galaxy S8 trước đó.

Ông Minh Tuấn, điều hành Minh Tuấn Mobile cho biết, sức mua mặt hàng này sụt giảm rất mạnh vài tháng qua, ít nhất 50%. Hầu như người dùng đang tập trung vào các điện thoại giá dưới 10 triệu đồng, iPhone cũ đang là mặt hàng bán tốt hiện nay đối với các cửa hàng kinh doanh iPhone. Trong khi đó, iPhone X ế ẩm vì không gây ấn tượng về cả thiết kế và tính năng.


Smartphone cao cấp năm nay bị di động tầm trung lấn lướt trên thị trường.

Smartphone cao cấp năm nay bị di động tầm trung lấn lướt trên thị trường.

Một minh chứng khác cho thị trường cao cấp ế ẩm lần này đó là việc giảm sốc của các mẫu cao cấp năm qua. Một nhà bán lẻ trong nước đã bất ngờ giảm đến 50% giá bán của mẫu cao cấp HTC U Ultra và U Ultra U Ultra từ 11-12 triệu đồng về mức 5,5 - 6 triệu đồng. Động thái giảm để xả hàng và tập trung hàng mới bởi sức hút sản phẩm cao cấp đang khá thấp ở Việt Nam.

Tầm trung lên ngôi

Một lý do khác khiến cho thị trường cao cấp ế ẩm đó là sự bành trướng của phân khúc tầm trung trong quý I 2018 với loạt sản phẩm giá tốt và cấu hình mạnh.

Đại diện nhà bán lẻ trên cho biết, năm nay các sản phẩm tầm trung quá tốt về cấu hình, thiết kế lại đẹp và giá phải chăng hơn, nên hút khách hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhiều thương hiệu cạnh tranh nhau quyết liệt, dùng nhiều quà tặng để hút khách hơn và các chiến lược tiếp cận không thua kém gì sản phẩm cao cấp... Đó cũng là lý do chính khiến cho sự sụt giảm của mặt hàng cao cấp.

Các mẫu tầm trung đang bán tốt tại Việt Nam
Các mẫu tầm trung đang bán tốt tại Việt Nam

Mặt khác, đầu năm đến nay tại Việt Nam cũng chứng kiến sự đầu tư rất lớn về quy mô lẫn phương thức truyền thông mạnh mẽ đến từ các thương hiệu Trung Quốc, các hãng như Huawei, Xiaomi, Vivo, Honnor, Oppo... Các hãng này đưa vào những sản phẩm hợp xu hướng, màn hình tai thỏ tràn viền, thiết kế thừa hưởng từ dòng cao cấp và một cấu hình với 4 GB RAM trở lên, mức giá chỉ giao động từ 6 triệu đến 8 triệu đồng. Chính những điều này đang giúp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu này tại Việt Nam.

Lấy ví dụ như mẫu Nova 3e, chỉ mới công bố ra mắt tại Việt Nam và chưa đầy 1 tiếng 30" mở đặt hàng tại Thế giới Do động đã cháy 500 suất đầu tiên. Nhà bán lẻ này còn mở thêm đặt hàng đến 2.000 suất để đáp ứng nhu cầu người dùng. Đây thực sự là một tín hiệu tích cực cho sản phẩm và cũng phác họa khá rõ nét về thị trường tầm trung hiện nay ở Việt Nam.

Trước đó, Xiaomi cũng nhanh chóng cho biết "cháy hàng" các mẫu Redmi 5A, Redmi Note 5 Pro khi các nhà bán lẻ mở trang đặt hàng.

Theo một báo cáo vào cuối năm 2017 từ công ty phân tích Counterpoint Research, thị trường smartphone Việt Nam đã tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các nhãn hiệu điện thoại thông minh toàn cầu và Trung Quốc. Trong khi các thương hiệu Việt đang dần đi xuống và có thể tiếp tục mất đi vị thế trong những tháng tới. Chiến lược và kinh nghiệm đi đến thị trường đúng đắn là những yếu tố giúp các thương hiệu toàn cầu và Trung Quốc đạt được lợi thế hơn. Dự báo sự tăng trưởng này sẽ mạnh mẽ trong vài năm tiếp theo.

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng của người Việt cũng đã bớt chi mạnh tay hơn bởi sự rút ngắn rất nhiều về khoảng cách giữa các phân khúc trong những năm trở lại đây. Họ chi vừa phải nhưng nhận về được một sản phẩm chất lượng cao, sức mạnh lẫn thiết kế không hề thua kém bất cứ smartphone cao cấp nào. Đó chính là lý do vì sao phân khúc cao cấp hiện nay trở nên '"èo uột" khi giá ngày càng tăng vài triệu đồng theo từng năm, trong khi tính năng thì không mới là bao.

Gia Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm