(Dân trí) - Có một điểm chung trong những người khởi nghiệp là khi mới bắt đầu thì ai cũng hào hứng, khí thế bừng bừng, sẵn sàng “xông pha”. Nhưng sau chỉ khoảng 1 đến 2 năm thì khí thế đó chùng xuống. Sau 3 - 4 năm thì có thể nói số lượng thành công hoặc đang có những bước đi đúng trên con đường khởi nghiệp còn lại rất ít.
Có một điểm chung trong những người khởi nghiệp là khi mới bắt đầu thì ai cũng hào hứng, khí thế bừng bừng, sẵn sàng “xông pha”. Nhưng sau chỉ khoảng 1 đến 2 năm thì khí thế đó chùng xuống. Sau 3 - 4 năm thì có thể nói số lượng thành công hoặc đang có những bước đi đúng trên con đường khởi nghiệp còn lại rất ít.
Với những người đã từng “ngã xuống”, nếm trải nỗi đau thất bại, tận mắt nhìn giấc chiêm bao tan biến, thì một lần nữa để tiếp tục “nằm mơ”, vẽ nốt chặng đường còn dang dở dường như là một điều gì đó quá đỗi xa xỉ, mà lại vô cùng khó khăn, có khi nghĩ tới cũng chẳng dám.
Ngồi chia sẻ với Nguyễn Bá Luân, đồng sáng lập Stringee, tôi mới thực sự cảm nhận được rằng startup nói riêng và khởi nghiệp nói chung là một quá trình lâu dài, bền bỉ và vô cùng vất vả. Rõ ràng để đi đến thành công thì khó, nhưng để tiếp bước sau thất bại có lẽ còn khó hơn.
Năm 2012, Nguyễn Bá Luân và người bạn của mình là Đậu Ngọc Huy khi ấy đang là hai sinh viên mới tốt nghiệp Khoa CNTT trường ĐH-Bách Khoa Hà Nội quyết định tham gia trào lưu khởi nghiệp, với sản phẩm đầu tay là BomChat - hoạt động dưới hình thức B2C, với ứng dụng “na ná“ như Zalo/Viber, cùng một số tính năng thú vị.
Rất tình cờ, Nguyễn Bá Luân khi ấy là CEO của BomChat, biết đến giải thưởng Nhân tài Đất Việt qua lời giới thiệu của một người bạn, và đã tham dự thử với tâm lý “chẳng có gì để mất”. Tình cờ hơn nữa là đội thi của anh đã giành giải Khuyến khích với ý tưởng được Ban giám khảo đánh giá cao. Bước lên bục vinh quang nhận giải, cộng đồng khởi nghiệp ai cũng nghĩ rằng đây là một nhóm startup tiềm năng, có xuất phát điểm và tài chính vững chắc để tiếp tục thăng tiến trong tương lai.
Thế nhưng ít ai biết được thời điểm đó lại là giai đoạn khó khăn của 2 chàng trai cùng tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa, “cặp đôi” thậm chí đã phải bán nhà để trang trải cho đam mê khởi nghiệp của mình, và xe hơi cũng phải đem đi cầm cố để đổi lấy 300-400 triệu đồng trả lương cho nhân viên, còn cả hai thì không nhận lương trong nhiều tháng.
Rất đáng tiếc rằng sau đó, mặc dù thị trường Communication Platform bùng nổ với sự tham gia của nhiều ông lớn với tiềm lực mạnh mẽ muốn nhảy vào cuộc chơi, thì Luân và Huy đã không đủ điều kiện tài chính để tiếp tục cuộc chơi, nên đã buộc phải dừng lại. Khởi nghiệp thất bại.
Món tiền trị giá 30 triệu đồng từ Giải khuyến khích chẳng giúp được gì nhiều cho Luân và Huy, hoạ chăng chỉ đủ trả lương tháng cho vài nhân viên. Tuy nhiên bằng con mắt nhạy bén của mình, Luân nhanh chóng nhận thấy sức mạnh thật sự của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt không phải giá trị vật chất mà là những giá trị vô hình đến từ các đơn vị bảo trợ, gồm nhiều Bộ, Ban, Ngành Trung ương, và các tập đoàn lớn, có uy tín tại Việt Nam, có thể đóng vai trò là bệ phóng thành công cho startup nếu như họ thực sự muốn tiến xa.
Ứng dụng BomChat tuy không đạt được mục đích như ban đầu, tuy nhiên cũng giúp Luân và Huy rút ra được rất nhiều bài học. Cụ thể, hai chàng trai nhận thấy các tính năng như gọi điện/chat là những tính năng cần thiết cho hầu hết các ứng dụng, hầu hết các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Sau khi nghiên cứu thị trường, Luân vẫn nhận thấy lĩnh vực này có tiềm năng phát triển nhanh, cộng với nền tảng kỹ thuật sẵn có, và đội ngũ nhân sự lâu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực. Cuối cùng, Luân và Huy một lần nữa quyết định chung tay xây dựng Stringee từ tháng 7/2017, và một lần nữa tham dự Nhân tài Đất Việt 2018, với mục đích phát huy hết những đòn bẩy mà mình đã bỏ lỡ từ lần đầu dự thi.
Dường như Hội đồng ban giám khảo của giải thưởng cũng cảm nhận được nguồn năng lượng và nghị lực phi thường nơi hai chàng trai năm ấy, tuy vấp ngã nhưng ngay lập tức đứng lên, và đứng lên thật mạnh mẽ. Cuối cùng, Nguyễn Bá Luân và Đậu Ngọc Huy một lần nữa được xướng tên trên đài vinh quang, nhưng lần này, hai con người ấy đã khác hẳn năm xưa.
Không còn là anh chàng sinh viên mới tốt nghiệp chân ướt chân ráo, bước lên nhận giải với đôi tay run run, miệng lắp bắp; trong huyết quản hai anh giờ tràn ngập sự tự tin đặc quánh, còn ánh mắt kiên định thì hướng về phía trước, dường như biết được chính xác những gì mình sẽ làm.
6 tháng sau khi nhận giải, Stringee tăng trưởng mạnh tới mức khiến bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải kinh ngạc. Startup mà trước khi tham dự Nhân tài Đất Việt 2018 vốn chẳng ai biết đến, lúc bấy giờ đã có 50 nhân viên, và hơn 500 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ.
Hiện Stringee ghi nhận tăng trưởng doanh thu gấp 4 đến 5 lần trong 1 năm, với mức tăng đều đặn 20% mỗi tháng, tốc độ tăng trưởng về cuộc gọi tăng 170% mỗi tháng tháng.
Theo Nguyễn Bá Luân, hiện đối với thị trường API tại Việt Nam và các nước trong khu vực thì vẫn còn khá ít đối thủ cạnh tranh, còn Cloud Contact Center (CCC) thì tại Việt Nam cũng có khá nhiều đơn vị cung cấp. Tuy nhiên Stringee mang lại giải pháp tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Tháng 7/2019, Stringee vừa công bố gọi vốn thành công gần 2 triệu USD sau 3 vòng từ một quỹ đầu tư lớn trong nước và 1 số nhà đầu tư thiên thần khác. Theo như chia sẻ, Luân cho biết sau khi nhận đầu tư gần 2 triệu USD sau 3 vòng, Stringee sẽ buộc phải tăng trưởng gấp 8 lần trong vòng 15 tháng tới, theo cam kết với nhà đầu tư. Đây là một mục tiêu thách thức của 2 chàng trai trẻ này.
Nguyễn Nguyễn
Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Giải thưởng chính là sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành trong suốt 15 năm qua.
Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt xin tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đơn vị: VNPT, Vingroup, Vietnam Airlines, Vietcombank, Sun Group, SHB, Agribank, VietinBank , Samsung, Tân Hoàng Minh, Canon, Jetstar Pacific, Dược phẩm Eco, ABBank, Grab... và các cơ quan, báo chí, đài truyền hình trong cả nước.
Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.
Website: www.nhantaidatviet.dantri.com.vn