1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 27 đơn vị sau hợp nhất

Thế Anh

(Dân trí) - Dự kiến, Bộ mới sau hợp nhất sẽ còn 27 đơn vị, tương ứng giảm 35,7% đầu mối đơn vị, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 27 đơn vị sau hợp nhất - 1

Trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (Ảnh: Bộ TT&TT).

Thực hiện Nghị quyết số 18 nhằm hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Chính phủ đề xuất giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy sau khi nghiên cứu, rà soát và trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Về nội dung "Hợp nhất 3 cục (Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục Công nghiệp công nghệ số; Cục Thông tin, Thống kê và Đánh giá khoa học) xuống còn 2 cục trực thuộc Bộ", Bộ KH&CN và Bộ TT&TT đã thống nhất tiếp thu, giải trình yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chính phủ về việc giảm 35% số lượng đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN sau hợp nhất.

Cụ thể, Bộ KH&CN và Bộ TT&TT có tổng số 47 cơ quan, đơn vị (trong đó Bộ KH&CN có 22 cơ quan, đơn vị; Bộ TT&TT có 25 cơ quan, đơn vị).

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gồm có 5 đơn vị: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin cơ sở, Cục Thông tin đối ngoại), Bộ KH&CN và Bộ TT&TT còn tổng số 42 cơ quan, đơn vị để thực hiện sắp xếp, tinh gọn.

Bộ KH&CN và Bộ TT&TT đề nghị giữ nguyên 3 Cục (Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục Công nghiệp công nghệ số; Cục Thông tin, Thống kê và Đánh giá khoa học) trực thuộc Bộ vì lý do 3 đơn vị này có sự khác biệt hoàn toàn và không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và kết quả đầu ra.

Việc vận hành độc lập các đơn vị quản lý nhà nước về thông tin, thống kê; phát triển công nghiệp công nghệ số; và quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số là phù hợp với yêu cầu thực tế và tăng cường chuyên môn hóa trong hoạt động công vụ.

Để thực hiện yêu cầu giảm 35% đầu mối đơn vị sau khi hợp nhất, Bộ KH&CN dự kiến hợp nhất Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật và Vụ Công nghệ cao thành Vụ Quản lý và phát triển công nghệ để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật và công nghệ cao.

Trên cơ sở các đề xuất nêu trên, dự kiến Bộ mới sau hợp nhất còn 27 đơn vị, đã thu gọn 15 trên tổng số 42 đơn vị (không bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản), tương ứng giảm 35,7% đầu mối đơn vị, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Theo đó, các đơn vị trực thuộc Bộ mới sau hợp nhất bao gồm:

1. Vụ Bưu chính.

2. Vụ Quản lý và Phát triển công nghệ.

3. Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ.

4. Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên.

5. Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

6. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

7. Vụ Hợp tác quốc tế.

8. Vụ Pháp chế.

9. Vụ Tổ chức cán bộ.

10. Văn phòng Bộ.

11. Thanh tra Bộ.

12. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

13. Cục Bưu điện Trung ương.

14. Cục Công nghiệp công nghệ số.

15. Cục Chuyển đổi số quốc gia.

16. Cục An toàn thông tin.

17. Cục Đổi mới sáng tạo và Thị trường khoa học và công nghệ.

18. Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

19. Cục Sở hữu trí tuệ.

20. Cục Tần số vô tuyến điện.

21. Cục Thông tin, Thống kê và Đánh giá khoa học.

22. Cục Viễn thông.

23. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

24. Trung tâm Thông tin.

25. Học viện Chiến lược và Đào tạo Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

26. Báo VietNamNet.

27. Báo VnExpress.

Bộ KH&CN cũng cho biết theo phương án từ Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng về Bộ Công an, thì tiếp tục không còn Cục An toàn thông tin trong cơ cấu tổ chức của Bộ mới sau hợp nhất.

Vì vậy, Bộ KH&CN đề nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, cân nhắc việc duy trì tổ chức các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ KH&CN trong bối cảnh cần tập trung để thực hiện nhiệm vụ được giao.