Sự trở lại “ngược đời” của 2 gã khổng lồ một thời Nokia, BlackBerry
(Dân trí) - Kể từ khi Steve Jobs ra mắt chiếc điện thoại iPhone năm 2007, thiết kế đột phá của màn hình cảm ứng đã “thổi bay” những chiếc điện thoại bàn phím số lừng lẫy thời đó, như Moto Q, Palm Treo, Nokia E62 và BlackBerry Pearl.
Số phận phụ thuộc vào “kẻ khác”
Cũng kể từ đó, Nokia và BlackBerry trở thành những “kẻ thua cuộc” trên thị trường di động và Apple xuất hiện như một “ngôi sao sáng”. Đến lúc này, khi iPhone kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt với doanh số tăng khủng khiếp và thị phần tăng mạnh trên toàn cầu thì ở đâu đó, những ông vua một thời Nokia và BlackBerry đang vật vã quay trở lại thị trường nhằm giữ lấy tên tuổi của mình sau nhiều năm tụt hậu và nằm ngoài xu thế.
BlackBerry tái xuất thị trường với chiếc điện thoại đồn thổi có tên “Mercury” và Nokia “hồi sinh” bằng điện thoại số “6”, là smartphone đầu tiên của hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới một thời sử dụng hệ điều hành Android.
Tuy vậy, điều thú vị nhất là cả Nokia và BlackBerry đều không thực sự sản xuất điện thoại cho riêng mình. Nokia đứng sau HMD Global sau khi tập đoàn này mua lại từ Microsoft, và được sản xuất bởi công ty Foxconn FIH Mobile. Trong khi đó, BlackBerry vẫn giữ quyền công nghệ phần mềm nhưng công ty TCL lại là bên nắm giữ quyền sản xuất chiếc điện thoại Mercury cho BlackBerry.
Vì vậy có thể hiểu, HMD Global và TCL là những công ty quyết định số phận “chìm” hay “nổi” của Nokia và BlackBerry.
Đánh cược số phận vào Android
Trước khi iPhone thay đổi toàn bộ cục diện thị trường di động, Nokia và BlackBerry đã là những biểu tượng của ngành công nghiệp tỷ USD này. Tuy nhiên, những “ông vua một thời” đã bị tụt lại phía sau bởi sự yếu kém của phần mềm.
Nokia tuột dốc đã nắm lấy tay Microsoft với hy vọng tìm được “phao cứu sinh” thì chính Microsoft cũng đã buộc phải từ bỏ Nokia sau 5 năm “kết duyên” mặc dù hợp đồng mua bán giữa hai bên kéo dài 10 năm. Để rồi, cuối cùng, Nokia cũng phải bắt tay với Google để sử dụng hệ điều hành Android cho những chiếc điện thoại mới của mình nhằm tìm lại vị trí đã mất sau nhiều năm tụt hậu. Trong khi đó BlackBerry lại “vật lộn” với hệ điều hành của mình là BlackBerry OS trước khi tìm đến nền tảng đã quá phổ biến lúc này là Android. Blackberry tỏ ra tự tin khi kết hợp giữa hệ điều hành Android với phần mềm bảo mật nổi tiếng của riêng mình.
Trung cấp hay cao cấp? - Thời gian sẽ trả lời
Mặc dù cả Nokia và BlackBerry đều có cùng tham vọng trở lại thị trường nhưng cả hai lại đi theo hai con đường khác nhau. Trong khi chiếc điện thoại BlackBerry Mercury nhắm tới phân khúc cao cấp thì Nokia 6 chỉ hướng tới phân khúc tầm trung, với giá bán tại thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 250 USD. Thực tế thì giới công nghệ cho đến thời điểm này vẫn chưa hiểu rõ về kế hoạch của HMD khi đưa Nokia trở lại thị trường ngoài kế hoạch chi 500 triệu USD cho kế hoạch marketing trong 3 năm tới.
BlackBerry đang hy vọng ở sự trở lại của điện thoại Mercury.
Trong khi đó, TCL, nhà sản xuất cho BlackBerry, có thể chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp trong thời điểm đầu đưa thương hiệu này trở lại thị trường. Hãng này có kế hoạch sẽ sản xuất điện thoại trải rộng ở các phân khúc khác nhau.
Dù vậy, kế hoạch và tham vọng là một chuyện nhưng để thuyết phục được người dùng mở hầu bao để mua sản phẩm là một chuyện hoàn toàn khác. Liệu cả 2 ông lớn một thời này sẽ có những kế hoạch hoàn hảo đến mức nào để đảo ngược đà lao dốc của Nokia và BlackBerry, đủ hấp dẫn để tăng khách hàng.
Thực tế là khó để nói trước.
Trong những ngày tháng khó khăn của dòng điện thoại Microsoft Lumia, Nokia vẫn bán rất tốt những dòng điện thoại giá rẻ với thiết kế “nồi đồng cối đá”. Đối với thị trường giá rẻ thì Nokia vẫn đáng để mua. Và với sự kết hợp của hệ điều hành Android, hy vọng sẽ có cơ hội cho Nokia trên phân khúc điện thoại tầm trung. Trong khi đó, BlackBerry sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tăng nhận diện giá trị của mình khi hãng này vẫn tiếp tục cho rằng phần mềm bảo mật tạo nên giá trị của hãng. Bởi hình ảnh của chiếc điện thoại bàn phím QWERTY vẫn chỉ hấp dẫn với những ai yêu thích gõ bàn phím thực hơn là bàn phím áo.
Từng một thời hàng dài người hâm mộ xếp hàng chờ đón những chiếc điện thoại mới nhất của Nokia và BlackBerry, ít nhất là ở thời điểm đầu bán ra thị trường. Tuy nhiên, với những đổi thay của thị trường đang nghiêng lợi thế về các dòng điện thoại Android và iPhone thì khó có thể biết được liệu 2 “ông vua” trong quá khứ này có thể chiếm được một chỗ đứng trên thị trường, thậm chí là phân khúc trung và thấp cấp hay không. Thời gian là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này.
Khôi Linh