Sự cố công nghệ "màn hình xanh" khi nào mới được khôi phục hoàn toàn?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Người đứng đầu công ty an ninh mạng đã đưa ra lời xin lỗi công khai và cảnh báo rằng việc khôi phục hoàn toàn sự cố "màn hình xanh" có thể mất nhiều tuần.

Sự cố công nghệ màn hình xanh khi nào mới được khôi phục hoàn toàn? - 1
Hành khách xếp hàng dài tại quầy làm thủ tục do sự cố mất kết nối toàn cầu tại Sân bay quốc tế Orlando, Hoa Kỳ (Ảnh: AFP).

Các doanh nghiệp và dịch vụ trên toàn thế giới đang dần phục hồi sau sự cố "màn hình xanh" nghiêm trọng gây thiệt hại trên toàn thế giới. Đồng thời nó làm dấy lên câu hỏi về tính "dễ bị tổn thương" của nền kinh tế kết nối toàn cầu.

Sáng 19/7, một bản cập nhật phần mềm do công ty CrowdStrike thực hiện đã gây ra sự cố "màn hình xanh chết chóc". Hậu quả khiến hàng nghìn chuyến bay dừng hoạt động, ảnh hưởng đến các công ty tài chính và hãng thông tấn.

Đồng thời nó cũng làm gián đoạn hoạt động của các bệnh viện, siêu thị, doanh nghiệp và văn phòng chính phủ của một số quốc gia.

Sáng 20/7, một số dịch vụ đã hoạt động trở lại, nhưng CEO George Kurtz, Công ty an ninh mạng CrowdStrike - đơn vị gây ra sự cố lịch sử này - cảnh báo rằng việc khôi phục hoàn toàn có thể mất nhiều tuần dù họ đã đưa ra bản sửa lỗi.

CEO Kurtz gửi lời xin lỗi tới mọi tổ chức, doanh nghiệp và những cá nhân đã bị ảnh hưởng bởi sự cố nghiêm trọng này.

"Chúng tôi biết rằng có nhiều kẻ thù sẽ lợi dụng sự kiện này để trục lợi hay gây hoang mang cho xã hội. Tôi đề nghị mọi người hãy luôn cảnh giác và chỉ liên lạc, trao đổi với đại diện chính thức của CrowdStrike", CEO Kurtz chia sẻ.

Sau khi sự cố công nghệ được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử, Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ công ty và người dân khi cần thiết.

Nhà khoa học Junade Ali, Viện Kỹ thuật và Công nghệ Anh đánh giá quy mô sự cố mất kết nối này là chưa từng có và chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Một số chuyên gia an ninh mạng khác bày tỏ sự cố đã cho thấy việc chúng ta phụ thuộc vào máy tính ngày càng tăng. 

Sự cố "màn hình xanh" vào sáng 19/7 đã khiến các sân bay lớn như ở thủ đô Berlin của Đức phải tạm dừng mọi chuyến bay, hiện hoạt động tại phi trường này dần được nối lại.

Cùng với đó, hàng chục chuyến bay châu Âu đã bị hủy. Hãng hàng không Turkish Airlines cho biết họ đã hủy 84 chuyến bay, trong khi các quan chức Ý xác nhận 80 chuyến bay trên cả nước phải tạm dừng cất cánh.

Trên khắp châu Mỹ Latinh, các hãng hàng không yêu cầu hành khách đến sân bay sớm hơn bình thường nhiều giờ để có thể làm thủ tục lên tàu bay bằng tay. Trong khi ở châu Á, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các sân bay ở thủ đô Bắc Kinh không bị ảnh hưởng.

Một số chuyên gia đánh giá sự gián đoạn này bộc lộ điểm yếu của nền kinh tế và sự biến động thị trường, đồng thời cho biết sự cố sẽ thúc đẩy việc xem xét lại mức độ phụ thuộc của xã hội vào một số công ty công nghệ như CrowdStrike.

Giáo sư an ninh mạng và kỹ thuật phần mềm, John McDermid, Đại học York (Anh), cho biết: "Chúng ta cần phải biết rằng những phần mềm như vậy có thể là nguyên nhân phổ biến gây ra lỗi cho nhiều hệ thống cùng một lúc trên toàn thế giới. Các công ty, tổ chức cần xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi trước những vấn đề phổ biến như vậy".

Giá cổ phiếu của CrowdStrike đã giảm hơn 11% vào sáng 19/7, đây là một trong những nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng phổ biến nhất trên thế giới. Trong quá khứ, vốn hóa thị trường của công ty này có thời điểm đạt con số 83 tỷ USD.