Sự cố cáp quang chưa được khắc phục, người dùng "kêu trời" vì mạng chậm

T.Thủy

(Dân trí) - Lần đầu tiên xảy ra trường hợp 4/5 tuyến cáp quang nối Internet Việt Nam đi quốc tế đồng thời gặp sự cố, điều này khiến tốc độ mạng Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 28/1 vừa qua, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA - Intra Asia) đã gặp sự cố đứt cáp tại vị trí cách bờ biển Singapore khoảng 130km. Đây là tuyến cáp quang kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông và Nhật Bản.

Trước đó, 3 tuyến cáp quang khác là APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia - Africa - Europe 1) cũng đã gặp sự cố từ cuối năm 2022 và chưa được khắc phục xong. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử có đến 4 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố, chỉ còn lại duy nhất tuyến cáp quang SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu) là vẫn còn hoạt động bình thường.

Lần đầu tiên trong lịch sử, 4/5 tuyến cáp quang từ Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố (Ảnh minh họa).

Lần đầu tiên trong lịch sử, 4/5 tuyến cáp quang từ Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố (Ảnh minh họa).

Dù hiện tại vẫn có một số tuyến cáp quang trên đất liền nối Việt Nam đi quốc tế, tuy nhiên, phần lớn lưu lượng kết nối Internet tại Việt Nam đều được truyền tải thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển, do vậy, sự cố gặp phải đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ Internet tại Việt Nam.

Đại diện một nhà mạng tại Việt Nam cho biết đứt cáp quang là sự cố bất khả kháng, do vậy các nhà mạng mong nhận được sự thông cảm từ phía người dùng. Hiện tại các nhà mạng đã áp dụng nhiều phương án chia sẻ lưu lượng giữa các tuyến cáp kết nối quốc tế, mở các kênh truy cập bổ sung... để đảm bảo kết nối của người dùng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, khi nhu cầu của người dùng và lưu lượng kết nối Internet tăng cao như chơi game, xem phim trực tuyến... sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết nối Internet.

Việc mạng Internet chậm vào giờ cao điểm khiến nhiều người dùng "kêu trời". Chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc vì tốc độ mạng quá chậm và ì ạch.

"Đi làm cả ngày về mệt mỏi, chỉ muốn lướt Facebook, xem tí phim để giải trí, nhưng thư giãn đâu không thấy chỉ thấy bức xúc, bực bội thêm vì mạng quá chậm", người dùng Facebook có tên T.Dung bày tỏ sự bức xúc.

"Một tháng đã tốn mấy trăm ngàn tiền mạng, giờ về nhà lại phải đăng ký mua thêm dung lượng gói 4G trên điện thoại rồi phát cho các thiết bị khác sử dụng thì mới tạm ổn. Không hiểu sao giờ tôi lại phải sử dụng mạng 4G ngay trong nhà của mình, dù sóng WiFi vẫn có đủ vạch", tài khoản Facebook A.Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều người kinh doanh online cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mạng chậm, khiến họ không thể livestream bán hàng hoặc lượng người xem các buổi livestream bị giảm sút nghiêm trọng.

"Mạng quá chậm khiến tôi không thể livestream để chào mời dù hàng mới về rất nhiều. Mà cho dù có livestream được thì lượng người xem cũng chẳng đáng kể vì mọi người cũng bị mạng chậm, không thể xem livestream liền mạch được", chị Diệu Hằng sống tại Hà Nội, chia sẻ.

Nhiều cư dân mạng cho rằng đứt cáp là sự cố bất khả kháng, nhưng nhà mạng cần phải có phương án để đền bù cho người dùng, khi khách hàng vẫn phải trả đủ tiền cước hàng tháng nhưng lại không nhận đúng tốc độ dịch vụ như đã cam kết.

"Dù biết đứt cáp là sự cố không ai mong muốn, nhưng nhà mạng vẫn thu tiền dịch vụ đầy đủ, trong khi tốc độ mạng lại không đúng như cam kết trong hợp đồng là điều không thể chấp nhận được. Nhà mạng cũng cần phải có phương án để đền bù khách hàng cho hợp lý, chứ không thể cứ lấy lý do đứt cáp để biện hộ cho chất lượng dịch vụ của mình được", người dùng Facebook V.Thanh bình luận và nhận được sự đồng tình của nhiều cư dân mạng.

Còn các độc giả của Dân trí, tốc độ mạng Internet của bạn hiện tại như thế nào? Hãy chia sẻ ý kiến của mình ở phần bình luận bên dưới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm