Sẽ có quy định riêng để xác định tên miền nhạy cảm!
Sau những tranh cãi về việc cấp phát tên miền .vn, Bộ Bưu chính Viễn thông đang xem xét, xây dựng để sớm ban hành quy định về những tên miền được quy là động chạm, nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam...
Và Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC có thể trực tiếp xây dựng quy định này.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông, vấn đề về tên miền là câu chuyện của toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Cho tới nay, những tên miền được quy là có động chạm, nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam... vẫn chưa được phân định rõ. Tuy nhiên, việc cấp phát tên miền cũng phải dựa trên quan điểm những tên miền dễ gây hiểu nhầm thì chưa cấp. Trong quá trình cấp phát tên miền, nếu nhà cung cấp cảm thấy không chắc chắn thì có quyền chưa cấp vội hoặc đề nghị chủ thể đăng ký chuyển sang đăng ký tên miền khác.
Phải thừa nhận rằng, Quyết định 27 ra ngày 11/8/2005 (thay thế cho Quyết định 92 ra ngày 26/5/2003) do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Ban hành về việc Quản lý và sử dụng tài nguyên Internet đã có sự thay đổi rất lớn theo nguyên tắc đổi mới và minh bạch hoá nhiều vấn đề nhưng vẫn chưa nêu thật rõ và hướng dẫn cũng chưa đầy đủ được thế nào là tên miền động chạm, nhạy cảm.
Trong khi đó, hiện nay, việc cấp phát những tên miền không dấu cũng là cả một vấn đề. Vì vậy, Bộ sẽ sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể thế nào là những tên miền nhạy cảm. Chẳng hạn nếu tên miền không dấu khi thêm dấu vào mà xét thấy vi phạm thuần phong mỹ tục thì sẽ không được cấp phát hoặc nếu được thì phải tuân theo những điều kiện gì...
Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện nay, tiền kiểm vẫn là biện pháp bắt buộc khi cấp phát tên miền. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu có thể cho phép đăng ký sử dụng tên miền rộng rãi hơn thì cơ quan quản lý sẽ phải có quy định rõ ràng, đòi hỏi chủ thể đăng ký thực hiện đăng ký cả nội dung cũng như phạm vi hoạt động của tên miền đó. Khi ấy, thay vì công tác tiền kiểm như hiện nay, cơ quan quản lý và VNNIC sẽ thực hiện công tác hậu kiểm cũng giống như việc thanh, kiểm tra một số website hiện nay vậy. Nếu kiểm tra thấy những nội dung và phạm vi hoạt động của tên miền không như chủ thể đã đăng ký thì sẽ có biện pháp xử lý.
Còn khi chúng ta chưa thể tiến hành khâu hậu kiểm được thì vẫn phải có những biện pháp hạn chế trong việc cấp phát tên miền. Lúc nào mọi quy định đã được minh bạch, rõ ràng hơn thì sẽ chuyển dần sang hậu kiểm. Tuy nhiên, từ những vấn đề trên, bản thân VNNIC cũng cần phải thận trọng hơn trong việc xử lý cấp phát tên miền.
Theo Thủy Nguyên
VietNamNet