Sắp có laptop thiết kế dạng mô-đun, cho phép nâng cấp cấu hình dễ dàng

(Dân trí) - Một trong những nhược điểm của laptop so với máy tính để bàn đó là hạn chế trong việc nâng cấp cấu hình và thay linh kiện. Nhược điểm này có thể được khắc phục với mẫu laptop thiết kế dạng mô-đun.

Sắp có laptop thiết kế dạng mô-đun, cho phép nâng cấp cấu hình dễ dàng - 1

Laptop thiết kế dạng mô-đun có thể cho phép người dùng nâng cấp cấu hình dễ dàng hơn.

Các linh kiện như ổ cứng, RAM… trên laptop thường được hàn chết trên main, điều này khiến cho việc nâng cấp cấu hình cho máy tính xách tay gặp nhiều hạn chế. Nếu muốn sở hữu một chiếc laptop với cấu hình mạnh hơn, giải pháp đơn giản nhất đó là từ bỏ chiếc laptop cũ để chuyển sang một sản phẩm mới với cấu hình mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai sắp tới.

Framework, một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã giới thiệu một mẫu laptop với các bộ phận trên sản phẩm, bao gồm màn hình, bàn phím, vi xử lý, bộ nhớ RAM… được đưa vào những mô-đun riêng biệt có thể thay đổi để nâng cấp.

Sắp có laptop thiết kế dạng mô-đun, cho phép nâng cấp cấu hình dễ dàng - 2

Thay đổi các mô-đun trên laptop để nâng cấp cấu hình cho sản phẩm.

Người dùng có thể tháo rời và thay đổi các mô-đun để nâng cấp tính năng và cấu hình cho máy, chẳng hạn tháo rời mô-đun vi xử lý để nâng cấp lên bộ vi xử lý mới, mô-đun cổng kết nối USB-A sang cổng USB-C hoặc thay đổi mô-đun khe đọc thẻ nhớ SD sang khe đọc microSD… Framework cho biết điều này sẽ giúp người dùng nâng cấp cấu hình của laptop một cách dễ dàng hơn, bao gồm cả thay đổi pin, bộ nhớ và thậm chí cả màn hình…

"Toàn bộ bo mạch chủ có thể thay đổi để tăng cấu hình và năng suất sau khi chúng tôi ra mắt phiên bản cập nhật với các thế hệ CPU mới", đại diện của Framework chia sẻ về sản phẩm của công ty.

Framework có kế hoạch thường xuyên phát hành các mô-đun nâng cấp cho laptop của hãng để người dùng có thể nâng cấp cấu hình cho sản phẩm. Framework cũng hy vọng các đối tác bên thứ 3 có thể xây dựng các mô-đun cho sản phẩm để người dùng có thể nhiều sự lựa chọn hơn. Công ty cho biết với thiết kế dạng mô-đun này, người dùng có thể gắn bó lâu dài hơn với chiếc laptop của mình, thay vì phải thường xuyên đổi mới laptop để có được cấu hình mạnh hơn.

Sản phẩm đầu tiên của Framework dự kiến sẽ được bán ra thị trường vào mùa hè năm nay, với màn hình kích thước 13,5-inch và lớp vỏ nhôm. Bản thân sản phẩm cũng sẽ được trang bị một cấu hình mạnh mẽ, với vi xử lý Core i thế hệ thứ 11 mới nhất của Intel, tùy chọn bộ nhớ RAM tối đa 64GB, bộ nhớ lưu trữ 4TB... dĩ nhiên, người dùng có thể mua sản phẩm với cấu hình thấp và mức giá rẻ hơn, sau đó có thể dần nâng cấu hình bằng cách thay đổi các mô-đun trên sản phẩm.

Hiện Framework đã cho phép người dùng đặt trước sản phẩm của mình, với mức giá khởi điểm 999 USD, với cấu hình chip Core i5 thế hệ thứ 11 của Intel, bộ nhớ RAM 8GB, ổ cứng lưu trữ SSD 256GB, cảm biến vân tay trên bàn phím…

Giới thiệu mẫu laptop thiết kế dạng mô-đun của Framework

Trước laptop, Google cũng đã từng đưa ra ý tưởng về smartphone thiết kế dạng mô-đun, cho phép người dùng thay đổi từng mô-đun để nâng cấp tính năng và cấu hình cho smartphone, bao gồm cả vi xử lý, bộ nhớ, camera… tuy nhiên, đáng tiếc dự án này đã bị Google hủy bỏ khi mới chỉ ra mắt sản phẩm thử nghiệm mà chưa từng được thương mại hóa.

Sắp có laptop thiết kế dạng mô-đun, cho phép nâng cấp cấu hình dễ dàng - 3

Project Ara, dự án về chiếc smartphone dạng mô-đun để nâng cấp cấu hình của Google, đã bị khai tử khiến nhiều người tiếc nuối.

Giới thiệu về dự án smartphone mô-đun Project Ara của Google