Có thể bạn chưa biết:

Samsung đã từng cười nhạo và bỏ qua cơ hội sở hữu nền tảng Android

(Dân trí) - Android là nền tảng di động phổ biến nhất thế giới hiện nay và được xem là thương vụ thành công nhất của Google, khi “gã khổng lồ tìm kiếm” đã mua lại nền tảng này vào năm 2005 với giá chỉ 50 triệu USD. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Samsung đã từng có cơ hội sở hữu Android nhưng cuối cùng họ đã bỏ qua.

Thông tin trên được Fred Vogelstein, Biên tập viên công nghệ của tạp chí Wired tiết lộ trong cuốn sách có tiêu đề “Apple và Google đã bước vào cuộc chiến và bắt đầu cuộc cách mạng như thế nào”, được xuất bản vào năm 2014. Thông tin này do chính “cha đẻ” của nền tảng Android, Andy Rubin, tiết lộ với Fred Vogelstein.

Trong cuốn sách của mình, Vogelstein cho biết vào những năm 2000, khi mà khái niệm smartphone vẫn chưa được hình thành đầy đủ, chí ít là theo tiêu chuẩn của ngày nay, các nhà mạng và hãng điện thoại chỉ tập trung vào phát triển các ứng dụng dành riêng cho sản phẩm của mình, thay vì phát triển các ứng dụng có thể chạy chung trên cả một nền tảng.


Samsung đã bỏ qua cơ hội sở hữu Android để rồi Google đã biến Android thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới

Samsung đã bỏ qua cơ hội sở hữu Android để rồi Google đã biến Android thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới

Vào thời điểm đó, Symbian và Windows Mobile vẫn đang là 2 nền tảng di động phổ biến nhất trên thị trường. Tuy nhiên, nếu một ứng dụng có thể hoạt động trên smartphone chạy Symbian của Nokia thì thường ứng dụng đó vẫn không thể chạy trên smartphone Symbian khác của Motorola hay Samsung sản xuất, dù đang dùng chung nền tảng Symbian.

Bản thân các nhà phát triển ứng dụng cũng không mặn mà với việc xây dựng ứng dụng cho các nền tảng di động, bởi vì họ sẽ phải xây dựng nhiều phiên bản khác nhau dành cho các mẫu điện thoại khác nhau. Các ứng dụng thường do chính các hãng sản xuất smartphone hoặc nhà mạng phát triển cho sản phẩm của riêng mình.

Năm 2003, Andy Rubin, một kỹ sư phần mềm làm việc tại hãng sản xuất thiết bị quang học nổi tiếng Carl Zeiss đã bắt tay vào xây dựng một nền tảng dành cho máy ảnh thông minh. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng trên thị trường smartphone vào thời điểm bấy giờ, Rubin đã quyết định thay đổi dự án của mình để xây dựng một nền tảng dành cho điện thoại di động.

Không lâu sau đó, Andy Rubin thành lập công ty phần mềm Danger và cho ra mắt nền tảng di động Danger OS. Sản phẩm đầu tiên sử dụng nền tảng này là chiếc smartphone Danger Hiptop (của nhà mạng T-Mobile). Đến năm 2003, với kinh nghiệm từ Danger OS, Andy Rubin quyết định rời bỏ công ty để bắt đầu dự án mới với tên gọi Android, còn Danger sau này đã được Microsoft mua lại vào năm 2009 với giá 500 triệu USD.

Trong khoảng 1 năm đầu tiên, Andy Rubin đã gặp rất nhiều khó khăn với dự án Android khi không có kinh phí để duy trì và phát triển, trong khi chưa có một “ông lớn” nào để mắt đến dự án này để đầu tư và hỗ trợ về tài chính.

Để tìm nguồn vốn đầu tư giúp phát triển dự án, nhóm phát triển Android, bao gồm Andy Rubin và 7 cộng sự của mình đã bay đến thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để gặp mặt với ban lãnh đạo của Samsung, một trong những hãng sản xuất điện thoại lớn nhất vào thời điểm bấy giờ, tuy nhiên vẫn còn thua kém về thị phần đáng kể so với Nokia hay Motorola…

Trước mặt 20 vị Giám đốc cao cấp của Samsung, Andy Rubin đã trình bày ý tưởng của Android và tiềm năng của nó. Tuy nhiên, đáp lại sự nhiệt tình từ phía Andy Rubin chỉ là sự im lặng và sau đó là một sự từ chối phũ phàng.

“Về cơ bản họ đã cười chúng tôi và không tin tưởng vào những gì chúng tôi đã thực hiện, bởi nhóm chúng tôi chỉ bao gồm 7 người”, Andy Rubin hồi tưởng lại về lần gặp mặt ban lãnh đạo Samsung. “Chuyện này xảy ra chỉ 2 tuần trước khi Google mua lại chúng tôi”.

Sau khi thất bại trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo Samsung, đầu năm 2005, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch của Google Larry Page đã chấp nhận gặp mặt Andy Rubin. Sau khi nghe trình bày về tiềm năng và ý tưởng phát triển Android, Larry Page đã không ngần ngại chi tiền để mua lại công ty Android.

Vào thời điểm đó, Android vẫn là một công ty non trẻ và chưa có sản phẩm thực tế nào, với 8 người trong đội ngũ phát triển, nhưng cũng đã khiến Google không ngần ngại chi đến 50 triệu USD để mua lại. Đây có lẽ là một trong những quyết định sáng suốt và là thương vụ thành công nhất của Google cho đến ngày hôm nay, khi Android đang giúp “gã khổng lồ tìm kiếm” thống trị trên thị trường di động.

Và có thể mọi chuyện đã khác, thị trường smartphone cũng sẽ đi theo một hướng khác nếu Samsung đồng ý mua lại Android ngay từ ban đầu.

Về phần mình, sau khi Samsung bỏ qua cơ hội sở hữu Android, giờ đây hãng vẫn đang tìm cách để xây dựng một nền tảng di động riêng nhằm thoát khỏi sự ảnh hưởng của nền tảng Android nhưng vẫn chưa thể thành công và vẫn phải sử dụng Android làm nền tảng chính trên các sản phẩm của hãng.

T.Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm