TPHCM:

Ra mắt ứng dụng bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật

(Dân trí) - Ứng dụng này cung cấp thông tin về các địa điểm (quán ăn, nơi mua sắm, giải trí, công sở...) mà người khuyết tật (NKT) có thể tiếp cận được. Thông tin này sẽ giúp NKT có cơ hội hòa nhập vào những hoạt động bình thường trong xã hội.

Ngày 1/3, Trung tâm Khuyết tật & phát triển (DRD) cùng Đại học Hoa Sen đã tổ chức giới thiệu ứng dụng bản đồ tiếp cận cho NKT mang tên DMAP do 2 đơn vị này thực hiện. Ứng dụng này được thiết kế nhằm hỗ trợ NKT thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm những địa điểm trong thành phố, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt như gặp gỡ bạn bè, mua sắm, khám chữa bệnh, tham gia các khoá học...

Hiện rất nhiều công trình tại TPHCM vẫn chưa có các tiêu chuẩn cho NKT tiếp cận như: có nhiều gờ nổi, bậc thang cao và không có dốc cho xe lăn lên, khu vực vệ sinh không thuận tiện, không dùng thang máy cho các tầng thấp.... Trong khi đó, NKT vẫn có nhu cầu tham gia các hoạt động bên ngoài, nhu cầu được hòa nhập là một trong những nhu cầu căn bản và chính đáng của NKT.

Các công trình xây dựng có rất nhiều rào cản, từ chối NKT
Các công trình xây dựng có rất nhiều rào cản, "từ chối" NKT

Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập DRD, thì hiện các công trình xây dựng, giao thông… tại Việt Nam (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM) còn rất “xa cách” với NKT vì nó không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận.

DRD cũng đã từng làm 1 khảo sát xã hội với 50 tình nguyện viên đi đo đạc 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, truờng học, nhà hàng,…) trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy chỉ có 78/1.800 công trình xây dựng đúng quy chuẩn nhà nước, có thể cho NKT tiếp cận được.

Dựa trên kết quả khảo sát đó, DRD và Đại học Hoa Sen đưa tất cả các thông tin hữu ích về các công trình mà NKT có thể tiếp cận lên DMAP. Ngoài ra, ứng dụng này còn cho phép người sử dụng cập nhật thêm địa điểm mới có các công trình đáp ứng tiêu chuẩn tiếp cận cho NKT, có thể giúp NKT di chuyển, sinh hoạt thuận tiện ở đó...

Ứng dụng DMAP rất hữu ích cho NKT ở TPHCM
Ứng dụng DMAP rất hữu ích cho NKT ở TPHCM

Chính vì những thông tin hữu ích đó, ứng dụng này được rất nhiều NKT ưa thích. Bà Lưu Thị Ánh Loan, giám đốc DRD chia sẻ: “Các cán bộ giảng viên Đại Học Hoa Sen cùng DRD xây dựng ứng dụng thông minh này với mong muốn NKT sẽ dần ra ngoài nhiều hơn và từ đó đóng góp vào xã hội, tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn”.

Ông Quách Đồng Thắng, cán bộ Sở Khoa học Công nghệ TPHCM chia sẻ: “Tôi rất thích thú với ứng dụng này, tôi cũng xin đề xuất 1 ý tưởng là Sở khoa học công nghệ cũng đang tập trung thông tin của các nơi thuộc Sở, các thông tin này sẽ cung cấp cho DRD để đến khảo sát và đưa thêm dữ liệu lên DMAP”.

Tùng Nguyên