Phó Thủ tướng: 30 năm trước là "câu chuyện alo", còn giờ là chuyển đổi số
(Dân trí) - Kỷ nguyên 5G là thời cơ để Việt Nam bứt phá, nhưng phải nhanh chóng nắm bắt và tận dụng, nếu không sẽ tụt hậu.
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sáng nay (12/1).
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng và các lãnh đạo thuộc Bộ TT&TT đã cùng nhau nhìn lại một năm đầy thăng trầm do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng thừa nhận rằng đây cũng là cơ hội "nghìn năm có một" để Việt Nam bứt phá trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Phó Thủ tướng khẳng định không thể không kể đến những đóng góp rất lớn của ngành Thông tin và Truyền thông trong cuộc cách mạng chung.
"Nếu chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, khát vọng thì chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn, thì không chỉ không tận dụng được cơ hội mà chúng ta sẽ tụt hậu, thậm chí nhiều ngành sẽ chết", Phó Thủ tướng khẳng định.
Thực tế ghi nhận 2020 là một năm ghi nhận ngành CNTT-VT nước nhà có nhiều chuyển dịch, đột phá, với điểm nhấn là thử nghiệm thành công thiết bị thu phát sóng 5G "Make in Việt Nam", đồng thời cấp phép cho các DN viễn thông (Viettel, MobiFone, VNPT) thử nghiệm thương mại và dịch vụ viễn thông 5G từ tháng 11.
Về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng khẳng định rằng ở thời điểm 30 năm trước, chúng ta đã cùng nhau giải quyết "câu chuyện alo", còn hiện nay, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phải cùng nhau giải quyết câu chuyện dữ liệu, chuyển đổi số.
"2G chúng ta đi nhanh so với thế giới, 3G đi vào top trung bình, 4G đi chậm, 5G vươn lên đi nhanh. Nếu chúng ta đi nhanh được 5G thì thời cơ lại quay về tay chúng ta. Bởi 5G không chỉ đơn thuần là tốc độ, nó sẽ thay đổi toàn bộ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù biểu dương những kết quả của việc phát động "Make in Vietnam" nhưng Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta còn cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta có thị trường trăm triệu dân, đủ sức để ươm mầm ngay tại thị trường trong nước. Phó Thủ tướng kỳ vọng, 5 năm nữa, trên bản đồ các nhà sản xuất viễn thông lớn nhất trên thế giới có Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ TT&TT đã tổ chức khai trương cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả: http://tingia.gov.vn/ và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 1800.8108.
Theo đó, mọi cá nhân, tổ chức có thể phản ánh về tin giả qua đầu số 1800.8108, sau đó Tổng đài của Viettel sẽ hỗ trợ tiếp nhận, xử lý thông tin.
Còn Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang http://tingia.gov.vn/; chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.
Đây được xem là một trong những biện pháp thiết thực nhằm thực hiện sứ mệnh lớn lao là lan tỏa nguồn tin chính thống, tin thật, cũng như góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu, độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho người dân.