Paul Walker đã “hồi sinh” như thế nào trong “Fast & Furious 7”?
(Dân trí) - Sự ra đi đột ngột của nam diễn viên Paul Walker vào năm 2013, khi “Fast & Furious 7” đang trong quá trình quay, tưởng chừng khiến bộ phim phải bỏ lỡ giữa chừng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của công nghệ máy tính, Paul Walker vẫn hoàn thành vai diễn trong bộ phim “bom tấn” này.
Ngày 30/11/2013, cả thế giới bàng hoàng với thông tin nam diễn viên nổi tiếng Paul Walker qua đời trong một tại nạn ô tô kinh hoàng. Thông tin này càng khiến đoàn làm phim của đạo diễn James Wan trở nên “đứng ngồi không yên”, khi bộ phim “Fast & Furious 7” với sự góp mặt của Paul Walker vẫn đang trong quá trình quay.
Sau cái chết của Paul Walker, bộ phim “Fast & Furious 7” đã phải ngưng quay một thời gian vì cú sốc của các diễn viên tham gia bộ phim và có thời điểm tưởng chừng như bộ phim này sẽ phải hủy bỏ do vẫn còn rất nhiều cảnh quay có sự góp mặt của Paul Walker chưa được hoàn thành.
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI - Computer-generated imagery), các nhà làm phim đã tái hiện Paul Walker một cách hoàn chỉnh trong những khung hình chưa hoàn chỉnh của bộ phim “Fast & Furious 7”.
Chân dung của Paul Walker được tái hiện bằng công nghệ máy tính, sau khi gương mặt của anh đã được chụp ảnh ở đầy đủ các góc cạnh trước khi bộ phim được bấm máy
Đảm nhận trách nhiệm thiết kế đồ họa và dựng hình Paul Walker trong phần còn lại “Fast & Furious 7” sau sự ra đi của nam diễn viên này là hãng phim Weta Digital, được thành lập bởi đạo diễn nổi tiếng Peter Jackson. Đây là hãng phim chuyên tạo các hiệu ứng hình ảnh trong các bộ phim “bom tấn” nổi tiếng thế giới như bộ 3 “Chúa nhẫn” (The Lord of the Rings), bộ 3 phim “The Hobbit”, hàng loạt phim về các siêu anh hùng của Marvel (Ironman, X-men, The Avengers...) cùng hàng loạt bộ phim bom tấn khác.
Để tạo dựng hình ảnh của Paul Walker lên phim, Weta Digital đã sử dụng cơ sở dữ liệu số về hình ảnh và âm thanh của Paul Walker. Thông thường với những bộ phim hành động, các nhà làm phim sẽ ghi lại thông tin về hình ảnh và âm thanh của các diễn viên chính bằng cách chụp ảnh cắt lớp nhiều chiều và thu âm giọng nói để lưu lại tần số. Việc lưu lại các thông tin này sẽ giúp các nhà làm phim dễ dàng hơn khi xử lý hình ảnh trong các tình huống mạo hiểm cần người đóng thế hoặc trong các tình huống cần xử lý kỹ xảo điện ảnh.
Dựa vào cơ sở dữ liệu này, Weta Digital đã tạo nên hình ảnh gương mặt hoàn chỉnh của Paul Walker, sau đó điều chỉnh gương mặt này ở từng khung hình khác nhau và điều chỉnh sự thay đổi trên gương mặt, cách nói, cách cười... sao cho phù hợp nhất với từng tình huống cụ thể.
Tuy nhiên, Weta Digital chỉ tạo dựng hình ảnh gương mặt của Paul Walker bằng kỹ thuật số, còn diễn xuất của nam diễn viên quá cố này được đảm nhiệm bởi Cody và Caleb, 2 em trai ruột của Paul, đồng thời là những diễn viên. Điều may mắn là cả Cody lẫn Caleb đều có dáng người tương tự như Paul Walker, nên rất phù hợp để vào vai diễn của anh trên phim.
2 em trai của Paul Walker, Cody (trái) và Caleb, những người đảm nhiệm diễn xuất của anh trong phần còn lại của “Furious 7”
Những gì các chuyên gia đồ họa cần là ghép gương mặt của Paul Walker, đã được xử lý bằng đồ họa máy tính, vào thân hình của 2 diễn viên đóng thế. Giọng nói của Paul Walker cũng được xử lý từ kho dữ liệu số ban đầu để có thể tạo nên những câu thoại hoàn chỉnh trong phim.
Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng phải chọn cẩn thận những góc quay của camera để tận dụng hiệu ứng của góc quay và ánh sáng giúp người xem khó có thể nhận ra được sự thay đổi của người đóng Paul Walker trên phim.
Trái với ý định ban đầu khi đạo diễn James Wan muốn đổi kịch bản của phim để kết thúc vai diễn của Paul Walker trong phim, việc sử dụng công nghệ đồ họa điện ảnh để giúp Paul Walker tiếp tục cho đến lúc kết thúc bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh của người xem.
Nhiều người sau khi xem phần 7 của bộ phim “The Fast and The Furious” đã phải thốt lên rằng họ không cầm được nước mắt khi được nhìn thấy Paul Walker trên phim, đặc biệt với khung cảnh cảm động cuối bộ phim, một khung cảnh như thay lời chào tạm biệt của đoàn làm phim với Paul Walker.
Chính điều này cũng đã giúp “Fast & Furious 7” nhanh chóng lập đạt doanh th 384 triệu USD phòng vé, phá kỷ lục về doanh thu trong dịp cuối tuần đầu tiên kể từ phim được ra mắt.
Paul Walker thật (trái) và hình ảnh Paul Walker được dựng nên bằng đồ họa máy tính ở cảnh quay cuối cùng của bộ phim “Furious 7”
Trên thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà làm phim sử dụng công nghệ CGI để “hồi sinh” một diễn viên đã qua đời trong khi bộ phim đang quay. Vào năm 1999, khi nam diễn viên Oliver Reed qua đời, đạo diễn của bộ phim “Võ sĩ giác đấu” (Gladiator) đã quyết định sử dụng công nghệ CGI để tạo hình gương mặt của nam diễn viên này và hoàn thành nốt những cảnh quay còn lại có mặt của ông.
Tuy nhiên, một số diễn viên lại không muốn hình ảnh của mình được “hồi sinh” trên phim nhờ vào kỹ xảo điện ảnh. Chẳng hạn nam diễn viên Robin Williams, người vừa qua đời vào tháng 8 năm ngoái để đã để lại di nguyện rằng không sử dụng hình ảnh của ông trong bất kỳ quảng cáo hoặc bộ phim nào trong suốt 25 năm sau ngày ông qua đời. Do vậy, dù có muốn, các đạo diễn cũng không thể sử dụng công nghệ CGI để “hồi sinh” Robin Williams trong những bộ phim của họ.
Video quá trình thu thập dữ liệu số về chân dung diễn viên của các hãng kỹ xảo điện ảnh:
Cảnh quay nam diễn viên Oliver Reed trong phim “Gladiator” được thực hiện bằng công nghệ CGI sau khi ông đã qua đời:
Phạm Thế Quang Huy