Ông Trump hứa với Tim Cook sẽ ưu đãi để iPhone được sản xuất tại Mỹ
(Dân trí) - Trong quá trình vận động tranh cử của mình, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ buộc Apple phải sản xuất sản phẩm tại Mỹ nếu ông trở thành Tổng thống. Giờ đây, ông đang có những động thái đầu tiên để thực hiện tuyên bố đó.
Phần lớn các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp và sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên Tổng thống mới đắc cử Donald Trump muốn Apple phải chuyển về sản xuất tại Mỹ, hoặc chí ít có một nhà máy lớn tại Mỹ để tạo ra những sản phẩm “nội địa”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo The New York Times, Donald Trump cho biết cả nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và CEO Tim Cook đã gọi cho ông sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Trong đó, khi đàm thoại với CEO Tim Cook của Apple, Donald Trump đã cho rằng đó sẽ là “một thành tích thực sự” nếu ông có thể thuyết phục Apple sản xuất thiết bị của mình tại Mỹ thay vì các quốc gia khác như hiện nay.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ Tim Cook của Apple và tôi nói: ‘Tim, anh biết một trong những điều sẽ là thành tích thực sự của tôi là khi tôi có thể khiến Apple xây dựng một hoặc nhiều nhà máy lớn tại Mỹ thay vì đâu đó ở Trung Quốc hoặc Việt Nam, và anh sẽ sản xuất sản phẩm ngay tại đây’”, Donald Trump chia sẻ lại cuộc đàm thoại giữa mình và Tim Cook.
Donald Trump cho biết đáp lại lời đề nghị của mình, Tim Cook trả lời rằng ông hiểu và sẽ ghi nhận ý kiến này.
Thậm chí, Trump cho biết còn hứa hẹn với Tim Cook rằng Apple sẽ nhận được các ưu đãi ngay nếu xây dựng một hoặc nhiều nhà máy lớn tại Mỹ để sản xuất các thiết bị của Apple. Một trong số đó là nới lỏng các quy định, quy chế và cắt giảm thuế nhằm vào các tập đoàn, trong đó có Apple.
Apple sản xuất tại Mỹ, liệu có đơn giản?
Tuy nhiên trên thực tế việc thuyết phục hoặc thậm chí ép buộc Apple phải chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ là điều không hề dễ dàng. Số lượng công nhân làm trong ngành sản xuất và lắp ráp tại Mỹ đã giảm đi 5 triệu người kể từ năm 2000, điều này cho thấy dường như người Mỹ không còn mặn mà với công việc làm công nhân trong các nhà máy lắp ráp và sản xuất. Trước đó vào năm 2011, khi Steve Jobs vẫn còn sống, vị CEO này đã từng khẳng định rằng “công việc lắp ráp sẽ không bao giờ trở lại trên đất Mỹ như trước đây”.
Bên cạnh đó, Apple vẫn tiếp tục muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, điều này giúp Apple có thể tăng được lợi nhuận cho công ty khi mà giá bán các sản phẩm của Apple vẫn rất cao so với mặt bằng chung. Apple cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các sản phẩm của hãng, chủ yếu đều được sản xuất tại Trung Quốc. Do vậy việc tập hợp các linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều.
Trên thực tế Apple cũng đã từng thử sản xuất sản phẩm tại Mỹ trước đây, nhưng không đạt được hiệu quả. Trước đó vào năm 2013, Apple bắt đầu quá trình lắp ráp máy tính Mac Pro và sản xuất một số linh kiện sản phẩm của mình tại Mỹ, nhưng đây lại không phải là một sản phẩm thành công và đến nay Apple vẫn chưa tung ra bản nâng cấp của sản phẩm sau 3 năm vì nó không còn hấp dẫn như trước.
Apple cũng từng nỗ lực xây dựng một vài nhà máy tinh thể sapphire ở Mỹ, nhưng quá trình sản xuất hợp tác với các đối tác khác không hiệu quả và đóng cửa vào cuối năm 2014.
Ngoài Apple, vào năm 2013, Motorola khi đó vẫn thuộc sở hữu của Google, đã quyết định ra mắt mẫu smartphone Moto X được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy ở Mỹ. Đây được xem là niềm tự hào của cả Google lẫn Motorola và luôn là yếu tố được nhắc đến trong các chiến dịch quảng cáo của Moto X. Tuy nhiên, Moto X không phải là một smartphone thành công, ngay tại thị trường Mỹ và Motorola sau đó phải đóng cửa nhà máy tại Mỹ vào năm 2014. Google cũng đã phải bán đi Motorola vào tháng 1/2014 với giá 2,91 tỷ USD cho Lenovo dù trước đó Google đã phải chi ra đến 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola.
Thực hư cuộc đàm thoại của Tim Cook với Donald Trump
Sau cuộc phỏng vấn của Donald Trump với tờ báo The New York Times, Apple đã không đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi mà giới truyền thông gửi đến cũng như không xác nhận về cuộc gọi của CEO Tim Cook cho Tổng thống mới đắc cử Donald Trump.
Một điều đáng chú ý, CEO Tim Cook là người công khai ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng, mặc dù Apple hỗ trợ cho cả 2 ứng cử viên Tổng thống. Bên cạnh đó, sau khi Donald Trump giành chiến thắng, CEO Tim Cook đã gửi một email nội bộ để trấn an toàn thể nhân viên của Apple, đồng thời kêu gọi mọi người “tiến lên cùng nhau” bất chấp những khó khăn phải đối mặt trong tương lai.
Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi nghi vấn về việc có hay không việc CEO Tim Cook gọi điện cho ông Donald Trump và phải chăng CEO Tim Cook đang chấp nhận việc vị Tổng thông mới và những ưu đãi mà ông này đưa ra?
T.Thủy
Theo The Verge/NYT/TechTime