Đề phòng ông Trump bắt sản xuất iPhone tại Mỹ, Apple ráo riết tìm lối thoát

(Dân trí) - Apple được cho là đang bắt đầu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra - đó là bị Donald Trump yêu cầu đưa dây chuyền sản xuất iPhone trở lại Mỹ, giống như những gì ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Đề phòng ông Trump bắt sản xuất iPhone tại Mỹ, Apple ráo riết tìm lối thoát - 1

Báo cáo mới đây từ 9to5mac cho thấy Apple đang liên lạc với các đối tác chiến lược trong dây chuyền sản xuất iPhone, cụ thể là Foxconn và Pegatron nhằm tìm cách đưa chuỗi cung ứng, lắp ráp iPhone về Mỹ. Được biết, iPhone (và gần như tất cả sản phẩm khác của Apple) đều đang được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy ở Trung Quốc.

Nguồn tin từ Nikkei cho biết Foxconn thì đang "ráo riết" giúp đỡ Apple, còn Pegatron dường như đã từ chối yêu cầu của đối tác trước những lo ngại về chi phí. Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, việc sản xuất iPhone trong dây chuyền tại nước Mỹ có thể đội chi phí lên tới "hơn gấp đôi" so với hiện nay.

Apple từ nhiều năm qua đã chịu những lời chỉ trích về việc quá phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Và một trong số đó chính là lời chỉ trích của vị tân tổng thống - ông Donald Trump. Trong một bài phát biểu từ chiến dịch tranh cử tổng thống đầu năm nay, ông Trump cho biết: "Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho đất nước này. Chúng tôi sẽ bắt Apple phải sản xuất những chiếc máy tính của mình tại đất nước này, thay vì ở những quốc gia khác".

Ông Trump từng có nhiều phát biểu không có lợi dành cho Apple trong chiến dịch tranh cử tổng thống
Ông Trump từng có nhiều phát biểu không có lợi dành cho Apple trong chiến dịch tranh cử tổng thống

Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ đã mất 10 triệu việc làm và 50.000 nhà máy sản xuất vì các công ty lớn đang đặt hàng sản xuất tại các quốc gia có giá nhân công rẻ như Trung Quốc. "Chúng ta đang bị giết chết", ông khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, câu hỏi "tại sao Apple chỉ sản xuất iPhone ở Trung Quốc" từng khiến nhiều phân tích gia phải đau đầu, bao gồm cả cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi Steve Jobs còn sống, ông Obama từng đặt câu hỏi tương tự cho "huyền thoại" của Apple. Jobs khẳng định rằng đó là vì Mỹ đã mất lợi thế về giá thành sản xuất.

Lấy iPhone làm ví dụ. Sản phẩm này gồm trên 100 linh kiện, trong đó có hơn 90% được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Bảng mạch bán dẫn đến từ Đức và Đài Loan; bộ nhớ từ Hàn Quốc và Nhật; màn hình và bo mạch đến từ Hàn Quốc và Đài Loan; vi xử lý từ châu Âu, các linh kiện dùng kim loại hiếm đến từ châu Phi và châu Á. Tất cả những linh kiện này hội tụ về nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc để lắp ráp.

Tuy nhiên, vị tân tổng thống Mỹ dường như rất nghiêm túc trong các chính sách của mình, bất chấp việc có lợi hay không có lợi đối đối với một công ty như Apple. Giới chuyên gia nhận định sẽ chẳng còn lâu để ông khởi động chiến dịch "bàn tay thép" và bắt Tim Cook phải thực hiện theo những điều mà ông Trump từng tuyên bố.

Từ quan điểm của riêng Apple mà nói, công ty chắc chắn sẽ không chịu sản xuất iPhone tại Mỹ nếu như không chịu tác động của một lý do tài chính nào đó. Tuy nhiên nếu như chính quyền của ông Trump quyết định tăng mạnh mức thuế nhập khẩu, thì Apple sẽ buộc phải lựa chọn phương án có lợi hơn, đó là sản xuất iPhone tại Mỹ với chi phí cao.

Nếu điều này xảy ra, giới chuyên môn cho biết Apple sẽ đối mặt với những quyết định "đau đầu" khác, như việc chấp nhận doanh thu thấp hơn để giữ nguyên giá iPhone, sử dụng linh kiện ít tốn kém hơn, hoặc tăng giá của sản phẩm này để bù cho những khoản chi phí phát sinh. Bất kể là lựa chọn nào cũng đều không có lợi nếu như đứng trên quan điểm của người tiêu dùng.

Nguyễn Nguyễn

Theo 9to5mac

Đề phòng ông Trump bắt sản xuất iPhone tại Mỹ, Apple ráo riết tìm lối thoát - 3