Sản phẩm dự thi Nhân tài đất Việt 2007:
Niềm hy vọng cho học sinh khiếm thính
(Dân trí) - cô giáo Bùi Thị Lâm và nhóm cán bộ khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cho ra đời sản phẩm hỗ trợ dạy và học địa lí cho trẻ khiếm thính lớp 6 với tính trực quan cao thông qua việc sử dụng thư viện hình ảnh, video, mô hình mô phỏng…
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giảng dạy đối với học sinh, sinh viên ngày càng được “vi tính hóa” ở các trình độ khác nhau. Giáo án điện tử đang ngày càng phát triển bởi tính tiện dụng và khả năng gắn kết với thực tiễn của nó.
Cô giáo Lâm cho biết, trong quá trình làm việc tại các cơ sở dạy trẻ khiếm thính và làm việc với người khiếm thính, các cán bộ trong khoa Giáo dục đặc biệt đã phôi thai ý tưởng viết một phần mềm hỗ trợ người khiếm thính trong học tập. Công việc được thực hiện với kế hoạch thiết kế phần mềm hỗ trợ dạy và học địa lí lớp 6. Ý tưởng này đã đạt giải tại cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2006. Sau khi nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ cuộc thi này, phần mềm đã hoàn thành với nhiều tính năng đặc biệt giành cho trẻ khiếm thính và giáo viên giảng dạy ở các lớp học đặc biệt.
Đây là phần mềm đầu tiên được thiết kế để giảng dạy và học tập môn Địa lí cho học sinh khiếm thính với tính trực quan cao thông qua việc sử dụng thư viện hình ảnh, video, mô hình mô phỏng… Bên cạnh các nội dung kiến thức như chương trình quy định, phần mềm còn xây dựng thêm phần giải thích các thuật ngữ bằng kí hiệu và bộ sách giáo khoa điện tử. Bộ sách giáo khoa cho học sinh khiếm thính cũng được điều chỉnh cả về nội dung, hình thức thể hiện và có phần tóm tắt kiến thức chính của mỗi bài để phù hợp hơn với học sinh khiếm thính.
Phần mềm được viết dựa trên nền tảng của sách giáo khoa Địa lí 6 cải cách và được chia thành 27 bài học trong phần mềm. Về cơ bản, các bài giảng được cấu trúc theo nội dung của sách giáo khoa. Ngoài nội dung của sách giáo khoa, phần mềm còn thu thập thông tin và trình bày thêm những thuật ngữ liên quan đến nội dung của bài học. Hầu hết trong các bài học đã phối hợp sử dụng các phương thức trình bày khác nhau (hình ảnh, video, mô hình…) để tạo hứng thú cho học sinh, phần giải thích được trình bày ngắn gọn, tập trung vào các điểm chính để phù hợp với khả năng ngôn ngữ của học sinh khiếm thính.
Với mỗi bài học, nhóm tác giả đã xây dựng các bài kiểm tra trắc nghiệm. Thông qua việc kiểm tra, đánh giá sẽ có kết quả ngay để giáo viên và học sinh kịp thời điều chỉnh việc học cho phù hợp. Việc kiểm tra thường xuyên và đánh giá nhanh chóng vừa giúp học sinh có điều kiện vận dụng kiến thức vừa thu nhận được để hiểu sâu sắc hơn, vừa giúp các em tự kiểm tra lại sự hiểu biết của mình.
Ngoài ra, phần mềm còn xây dựng được một hệ thống từ điển thuật ngữ về địa lí dành cho người khiếm thính với hơn 100 thuật ngữ có ngôn ngữ ký hiệu kèm theo và hơn 100 thuật ngữ được giải thích bằng lời và hình ảnh. Mỗi thuật ngữ đều được giải thích bằng lời ngắn gọn, được minh họa bằng hình ảnh, video và cách làm kí hiệu của thuật ngữ đó để dễ dàng hơn cho học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
Có thể nói, đây là tài liệu tham khảo rất tốt cho giáo viên khi soạn bài giảng. Với phần mềm này giáo viên có thể tham khảo các giáo án, sưu tập hình ảnh, video để phục vụ giảng dạy. Đối với các hiện tượng tự nhiên khó quan sát, những thí nghiệm khó thực hiện do các lý do kỹ thuật và tài chính, giáo viên có thể đưa các đoạn băng hình vào phần mềm để giúp học sinh tiếp cận một cách nhanh nhất các kiến thức khoa học với chi phí thấp nhất.
Trần Đức