Những sự kiện nổi bật của làng công nghệ thế giới 2014
(Dân trí) - Game di động đình đám của tác giả Nguyễn Hà Đông đã gây sốt trên toàn thế giới; Microsoft thay CEO và ứng dụng di động Uber nổi lên như là một hiện tượng trên toàn thế giới... tất cả đã làm nên một bức tranh sống động của làng công nghệ năm 2014.
1. Game của tác giả Nguyễn Hà Đông Flappy bird gây sốt trên thế giới
Cái tên Nguyễn Hà Đông bất ngờ gây sốt trong cộng đồng người dùng di động quốc tế và cả ở Việt Nam vào những ngày đầu năm 2014. Trò chơi “gây khó chịu” với người chơi Flappy Bird không ngừng thăng hạng và nằm trong Top các ứng dụng được cài đặt nhiều nhất trên hai gian hàng App Store và Google Play. Tại thời điểm đỉnh cao khi Hà Đông chưa gỡ bỏ Flappy Bird, chàng trai 29 tuổi này thu về 50.000 USD mỗi ngày nhờ doanh thu quảng cáo.
Hàng loạt trang công nghệ và các tờ báo lớn như TheVerge, Cnet, CNN, Forbes hay Time… đều đồng loạt đưa tin về “hiện tượng” Flappy Bird. Nguyễn Hà Đông đã nhanh chóng trở thành “ngôi sao” trong làng công nghệ và là tâm điểm trong các hội nghị về di động trên thế giới.
Trò chơi của chàng trai đang sống tại Hà Nội được nhiều trang công nghệ ví với “hiện tượng” Angry Birds trước đây.
2. Microsoft thay CEO, trở thành công ty cung cấp thiết bị, dịch vụ
Sau nhiều tháng tìm kiếm, cuối cùng đến cuối tháng 2/1014, Microsoft đã chính thức công bố ông Satya Nadella, Phó chủ tịch cao cấp Nghiên cứu và Phát triển thuộc bộ phận Dịch vụ trực tuyến của Microsoft và là Phó chủ tịch bộ phận Kinh doanh tại Microsoft, trở thành CEO thứ 3 trong lịch sử 39 năm hoạt động của mình, sau nhà đồng sáng lập Bill Gates và Steve Ballmer.
Microsoft đã có những bước chuyển mình kể từ khi Satya Nadella “chèo lái” con thuyền này. Microsoft dường như đã giảm bớt sự “kiêu ngạo” và sẵn sàng cung cấp phần mềm, ứng dụng cho các sản phẩm đối thủ, điển hình là Apple với gói dịch vụ Office dành cho iPad. Microsoft cũng đã chuyển mình trở thành hãng cung cấp thiết bị, dịch vụ thay vì chỉ đơn thuần là hãng sản xuất phần mềm. Chiến lược này đã thể hiện rõ khi Microsoft bất ngờ thâu tóm gã khổng lồ di động một thời Nokia.
3. Apple hết bảo thủ, trình làng iPhone màn hình lớn và Apple Watch
Sau nhiều năm “cứng nhắc” với quan điểm điện thoại chỉ cần có kích thước màn hình 3,5 inch, cuối cùng Apple cũng đã phải “chịu thua” trước xu hướng tăng kích thước màn hình. Sau nhiều đồn đoán, hồi tháng 9, Apple đã “hạ màn” bằng bộ đôi điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus với kích thước lần lượt là 4,7 inch và 5,5 inch.
Apple cũng đã trình làng chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch sau khi hàng loạt sản phẩm của các đối thủ đã bán ra thị trường. Sở hữu thiết kế đẹp, gây ấn tượng với đầy đủ các tính năng từ iPhone, Apple Watch đang là sản phẩm được chờ đợi nhất hiện nay. Apple Watch cũng lọt vào 25 phát minh hay nhất năm 2014 do tạp chí Time bình chọn.
4. Những thương vụ thâu tóm đình đám trong năm 2014
Năm 2014 chứng kiến nhiều thương vụ thâu tóm lớn với mức giá trị lên đến hàng chục tỷ USD.
Đáng chú ý nhất trong đó là thương vụ giữa Microsoft và Nokia. Mặc dù thương vụ này đã được tiến hành từ năm 2013, nhưng chính thức hoàn tất vào năm 2014 với mức giá 7,2 tỷ USD. Sau khi thương vụ, Microsoft đã đổi tên bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia thành bộ phận Microsoft Devies, đồng thời đổi thương hiệu điện thoại Nokia Lumia thành Microsoft Lumia. Quyết định này khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối khi thương hiệu Nokia không còn xuất hiện trên thị trường smartphone.
Năm 2014 chứng kiến một thương vụ mang tính bất ngờ khi Facebook chi ra đến 19 tỷ USD để mua lại dịch vụ nhắn tin miễn phí qua Internet WhatsApp. Một thương vụ cũng bất ngờ không kém gì Google “bán tháo” bộ phận di động Motorola cho Lenovo với mức giá chỉ 2,91 tỷ USD, trong khi trước đó hãng đã mất 12 tỷ USD để mua lại bộ phận này.
Ngoài ra, Apple cũng khiến không ít người bất ngờ khi “chịu chi” 3 tỷ USD để mua lại hãng công nghệ âm thanh Beats Audio, biến đây trở thành thương vụ đắt giá nhất lịch sử Apple.
Trong năm qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ tiền tỷ khác, như Google mua lại hãng Nest với mức giá 3,2 tỷ USD. Microsoft chi ra 2,5 tỷ USD để sở hữu hãng game Mojang, nổi tiếng với trò chơi Minecraft...
Hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới lộ “ảnh nóng” vì iCloud bị tấn công
Bắt đầu từ ngày 31/8/2014, một “bộ sưu tập” gần 500 hình ảnh riêng tư của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng hàng đầu thế giới đã bị đăng tải lên Internet. Nạn nhân phần lớn là các ngôi sao nữ, như Jennifer Lawrence, Kate Upton, Kristen Dunst... Đây là những hình ảnh được cho là lấy cắp từ tài khoản iCloud của các ngôi sao hàng đầu thế giới này thông qua một lỗ hổng bảo mật của iCloud được hacker khai thác.
Sự việc đã khiến giới giải trí và công nghệ “rúng động”, khi mà nhiều người đặt ra những câu hỏi về sự an toàn cho những hình ảnh riêng tư của họ lưu trữ trên các dịch vụ trực tuyến.
Apple sau đó đã lên tiếng thừa nhận cuộc tấn công, cho rằng đây là “sự xúc phạm” của các hacker. Tuy nhiên Apple khẳng định các hacker đã chủ đích tấn công vào các mục tiêu đã định sẵn, là tài khoản iCloud của các ngôi sao hàng đầu thế giới, thay vì tấn công vào toàn bộ hệ thống máy chủ của Apple để đắp cắp mọi dữ liệu.
Hacker Trung Quốc, Triều Tiên trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ
Năm 2014 tiếp tục là một năm hoạt động tích cực của giới tin tặc toàn cầu, đặc biệt các hacker đến từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Thời điểm cuối năm 2014 chứng kiến sự hoạt động mạnh mẽ của nhóm hacker Triều Tiên, đặc biệt trong vụ tấn công nhằm vào hãng phim Sony Pictures, đánh cắp hàng loạt bộ phim chưa được trình chiếu của hãng phim này, cùng nhiều tài liệu nội bộ của hãng phim. Nguyên do của vụ tấn công được cho là liên quan đến bộ phim “The Interview” do Sony Pictures phát hành, có nội dung về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên.
Sau một thời gian dài điều tra, chính phủ Mỹ sau đó đã chỉ đích danh Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào hãng phim Sony Pictures, mặc dù Triều Tiên vẫn một mực phủ nhận điều này, đồng thời yêu cầu phía Mỹ đưa ra các bằng chứng để chứng minh. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu trong vụ tấn công Sony Pictures xuất phát từ Triều Tiên, như loại mã độc sử dụng trong vụ tấn công tương đồng với loại mã độc từng được dùng trong một vụ tấn công khác nhằm vào Hàn Quốc...
Trước đó vào hồi tháng 5, chính phủ Mỹ cũng đã ban hành một lệnh truy nã đối với 5 quan chức quân đội Trung Quốc, những người được cho là các thành viên của “quân đoàn hacker bí ẩn” do chính phủ và quân đội Trung Quốc hậu thuẫn.
Nhiều hãng bảo mật lớn của Mỹ đã điều tra và khẳng định “quân đoàn hacker bí ẩn” của Trung Quốc là một Đơn vị có tên gọi 61398, đóng quân tại một tòa nhà cao 12 tầng tại quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải, thuộc quyền sở hữu của quân đội Trung Quốc. Tòa nhà này được canh gác nghiêm ngặt bởi lính gác, nhưng lại không ghi rõ Đơn vị hay chức năng hoạt động ở bên ngoài.
Sau nhiều năm tồn tại và hoạt động, nhóm hacker này đã hack thành công vào hàng loạt tập đoàn và trang web lớn tại 20 quốc gia khác nhau, chủ yếu là các quốc gia phát triển, các ông ty lớn như Coca-Cola, Google hay nhiều tập đoàn công nghiệp lớn khác, chủ yếu tại Mỹ, Nga và các nước tại thuộc EU… Ngoài ra, “đội quân hacker bí mật” này còn đánh cắp các bí mật công nghiệp hay thông tin cá nhân của các nhân vật quan trọng trên toàn cầu, thậm chí đánh cắp các bí mật quân sự từ các công ty sản xuất vũ khí tại Mỹ…
Ứng dụng Uber “gây sốt” và những lùm xùm trên toàn thế giới
Được thành lập từ năm 2009 và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên đến năm 2014, Uber trở thành cái tên “gây sốt” trên toàn cầu, không chỉ vì những lợi ích về dịch vụ này mang lại, mà còn những lùm xùm bên lề, chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý.
Mới đây, chính quyền Ấn Độ đã cấm hoạt động dịch vụ Uber tại quốc gia này sau khi một tài xế của Uber cưỡng hiếp một nữ hành khách vào hồi đầu tháng 12, khiến nỗ lực xây dựng ưu tiên về hình ảnh và chất lượng dịch vụ của Uber đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
Gần đây nhất vào ngày 24/12 vừa qua, Cơ quan công tố Hàn Quốc đã chính thức khởi tố nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick cùng đối tác cho thuê xe tại Hàn Quốc là MK Korea vì vi phạm luật giao thông tại nước này, vốn cấm xe cho thuê hoạt động taxi. Nếu bị phán quyết có tội, mức án Travis Kalanick phải nhận có thể lên tới 2 năm tù kèm khoản tiền phạt tương đương 18.000 USD.
Trước đó vào đầu năm 2014, rất nhiều nghiệp đoàn và các đơn vị kinh doanh taxi tại nhiều nước đã biểu tình và phản đối sự hiện diện của dịch vụ Uber tại quốc gia mình vì cho rằng đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Hiện Uber đã bị cấm tại nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và thậm chí ngay tại nhiều bang của Mỹ cũng cấm dịch vụ này...