Những sản phẩm “xấu xí” nhất lịch sử ngành IT
(Dân trí) - Những sản phẩm này đều ít nhiều mang tính đột phá tại thời điểm chúng ra đời, nhưng cùng chung số phận thất bại do dáng vẻ quá “mất thẩm mĩ” của mình.
1. Máy tính xách tay Osborne 1
Máy tính xách tay đã quá quen thuộc ngày nay, đến mức chúng ta chỉ đơn giản gọi tên “laptop” hoặc “notebook”. Những danh từ này thể hiện tính nghệ thuật trong các sản phẩm công nghệ hiện đại: một chiếc máy tính đầy đủ chức năng có thể kẹp dưới nách, mang đi vác lại như cuốn sổ thông thường. Nhưng vào thời điểm 1981, chiếc máy tính “có thể di động” đầu tiên trên thế giới - Osborne 1 - là một chiếc hộp nhựa nặng …10kg. Chiếc hộp này bao gồm một màn hình đơn sắc 5 inch, một bàn phím loại thường, và 2 ổ đĩa mềm. Mặc dù vậy chiếc “máy tính xách tay” này vẫn có lượng fan hâm mộ nhất định, sẵn sàng mang đi vác lại trên đường phố như những tay chơi iPod, iMac thứ thiệt ngày nay.
2. Motorola Dyna TAC 8000 X
Bạn không nhìn nhầm - đây là thủy tổ của những chiếc điện thoại di động mỏng dính, sành điệu và bóng bẩy ngày nay. “Cục gạch” này có bề dài 10 inch chưa kể ăng ten, và nặng .. gần 1 kg. Ngay cả vào thời điểm những năm 1980, Motorola Dyna TAC 8000 X vẫn bị xếp vào loại “cục mịch”. Nhưng đây lại là chiếc điện thoại đầu tiên “di động” đúng nghĩa, và thế là quá đủ cho hàng ngàn người chi tới 4 ngàn USD để sở hữu nó.
3. Microsoft Windows 1.0
Hệ điều hành MAC đầu tiên ra mắt năm 1984 phổ biến khái niệm “bàn phím và con trỏ chuột” tới thế giới IT. Một năm sau đó, Bill Gates “trả miếng” bằng Windows 1.0 - một hệ điều hành xấu xí với giao diện MS DOS “có kèm thêm chuột”. Cần phải chờ tới 23 năm sau cho chú vịt con xấu xí Windows 1.0 lột xác thành "cô thiên nga" Windows Vista xinh đẹp.
4. Nintedo Virtual Boy
Đó là năm 1995, thời điểm Nintedo tìm cách “hiện thực hoá” cảm nhận chơi game của hệ máy Virtual Boy. Sản phẩm cồng kềnh đựơc đóng mác “cầm tay” này bao gồm một mặt kính có chân đế, và một tay cầm thông thường. Cặp kính tạo ảo giác hình 3 chiều bằng cách hiển thị liên tục các hình ảnh gần giống nhau trên cả 2 mắt kính. Nintedo Virtual Boy là sản phẩm giải trí đột phá, nhưng giá thành quá rẻ dẫn đến hạn chế công nghệ, và cuối cùng bị rút khỏi các giá hàng một năm sau đó.
5. “Hổ” nhồi bông điện tử Furby
Một sản phẩm không được bắt mắt cho lắm, kết hợp giữa sự đáng yêu của thú nhồi bông và các linh kiện điện tử. Bộ vi xử lý gắn trong giúp chú “hổ” nhồi bông này cử động, phản ứng với ánh sáng, và “nói chuyện”. Thậm chí chú ta còn biết lặp lại lời được người khác dạy dỗ. Bất chấp ngoại hình không được bắt mắt, Furbys đạt thành công lớn về thương mại - sản phẩm có giá 35 USD ban đầu nhanh chóng bị đẩy lên hơn 100 USD, và vẫn bán chạy như tôm tươi. Chú hổ này chào đời năm 1998.
6. iMac Flower Power
Những chiếc iMac đầu tiên của Apple năm 2001 mang đến luồng sinh khí mới cho thiết kế vuông vức nhàm chán của máy móc lúc bấy giờ. Nhưng không phải mọi ý tưởng đột phá đều được đón nhận nồng nhiệt, mà iMac Flower Power là ví dụ điển hình. Thật tình mà nói, những bông hoa trên vỏ màn hình khiến chiếc máy có dáng vẻ một tấm rèm treo tường rẻ tiền hơn là một sản phẩm hàng ngàn USD.
7. Neuros II Digital Audio Computer
Năm 2004, Neuros Audio ra mắt Neuros II, phiên bản 2 của chiếc máy “ông tổ” của mọi nghe nhạc cá nhân Euros. Sản phẩm có khả năng chơi nhạc định dạng MP3, Ogg Vorbis, WMA và WAV, thậm chí ghi âm MP3 qua đường input, micro hoặc radio. Thiết kế đặc biệt của Neruos - tách biệt phần thẻ nhớ và pin ra khỏi máy cho phép cập nhật tùy thích (từ 128MB đến 80GB). Vấn đề duy nhất của chiếc máy nghe nhạc này là thiết kế quá xấu và kích thước không vừa tay, trong khi các đối thủ như iPod mặc dù kém về chức năng lại có vẻ ngoài vô cùng ấn tượng.
8. Ổ đĩa mềm Commodore 1541
Chiếc máy tính Commodore 64 là sản phẩm thiết kế đẹp nhất những năm 1980 - vẫn vuông vức, nhưng đầy góc cạnh mềm mại đặt đúng nơi đúng chỗ. Nhưng ổ đĩa mềm đi kèm với máy lại không được như vậy - nó có dáng vẻ cục mịch và nặng nề hơn cả bản thân máy tính. Không chỉ vậy, ổ đĩa này rất ồn ào, kêu lạch cạch ầm ĩ trong quá trình sử dụng và rất nóng, thậm chí khiến hàng loạt đĩa mềm phải vứt bỏ ngay sau lần sử dụng đầu tiên.
9. Microsoft Zune
Khi giới thiệu Zune vào năm 2006 - được quảng cáo là “đối thủ nặng kí nhất của iPod”, Bill Gates nhồi nhét vào chiếc máy nghe nhạc cầm tay này đủ các chức năng làm nên thành công của iPod: âm nhạc chất lượng cao, kho nhạc số di động v.v.. Nhưng xem ra ông quên mất một điều - bản thân iPod là một tác phẩm nghệ thuật của ngành IT, không như “cục nhựa” vuông vức mỏng dẹt có cái tên Zune. Không mấy ngạc nhiên khi Zune chỉ bán được hơn 1 triệu sản phẩm sau 7 tháng, bất chấp chức năng chia sẻ nhạc qua Wifi “cách mạng” của chiếc máy này.
Hoàng HảiTheo PCworld