Nhức nhối tin nhắn lừa đảo và tin nhắn rác

(Dân trí) - Mặc dù Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra "tối hậu thư" cho các nhà mạng về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, quảng cáo... nhưng tính đến nay đã hơn 9 tháng trôi qua nhưng tình hình tin nhắn rác vẫn còn tồn tại, chưa triệt để và gây nhức nhối trong dư luận.

Chiêu trò "yêu cầu gọi lại"

Trong thời gian ngắn vừa qua, Dân trí tiếp nhận khá nhiều phản ánh của người dùng trên khắp cả nước về việc bị trừ tiền khi gọi vào một số tổng đài trong tin nhắn yêu cầu gọi lại.

Cụ thể, theo phản ánh của anh Đinh Khải (Hà Nội) cho biết: "Tôi liên tiếp nhận được tin nhắn với nguyên văn:  “Em L đây, máy em hết pin. Gọi lại luôn cho em vào số ở công ty 19002254 này nhé! Em có việc cần gấp. 19002254. Em cám ơn ạ!”

Trong khi đó, bạn đọc Thùy Ngân (TPHCM) cũng cho biết: "Tôi cũng nhận được các tin nhắn yêu cầu gọi lại, hay gọi đến số tổng đài nghe nhạc do một bạn tên L gửi tặng... Khi gọi vào số yêu cầu gọi lại, toàn chỉ nghe được nhạc chờ và tôi choáng khi tắt máy đi, kiểm tra tiền thì vơi đi rất nhiều."

Gọi vào tổng đài 19002254 1phút, mất 20.000 đồng để nghe nhạc chờ.

 

Để kiểm chứng những phản ánh của độc giả, PV đã thực nghiệm ngay trên chính chiếc điện thoại của mình  và gọi vào tổng đài 19002254. Khi gọi vào số tổng đài trên, người dùng chỉ nghe được những bản nhạc chờ và khá lâu thì nghe thêm tổng đài trả lời tự động cho biết, các tổng đài viên đang bận... Chỉ với cuộc gọi 1 phút trên SIM của nhà mạng Vinaphone, thử nghiệm gọi đến tổng đài trên đã bị mất đi 20.000 VNĐ trong tài khoản điện thoại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là hình thức lừa đảo không mới, lợi dụng vào sự cả tin của người dùng hòng chiếm đoạt tiền dịch vụ. Khi gọi vào số máy lừa đảo trên, hệ thống này được thiết lập tựa như hệ thống trả lời tự động của một tổng đài chăm sóc khách hàng và dùng mọi chiêu trò để kéo dài thời gian nhằm mục đích "móc hầu bao" của người dùng.

"Thú thật là mình không biết cái em L này là ai. Vì thế, e là bạn này nhắn nhầm chăng, nên mình không muốn trả lời. Nhưng, cái tính mình nó hay cả nể. Nhỡ ai đó thân quen mà mình chưa nhớ ra, mà người ấy lại có “việc cần gấp” cần mình giúp đỡ thì sao?". Anh Khải cho biết. 

"Thật sự mà nói mình đã cảnh giác hơn rất nhiều và không gọi lại số máy này. Nhưng với người dùng khác, nhất là ở quê thì sao, anh chị em mình ở quê có khi dễ sập vào các bẫy lừa đảo này. Mong sao nhà mạng hãy chặn dùm tin nhắn lừa đảo!" Chị Ngân cho biết thêm. 

Như vậy, với đầu số lừa đảo được cấp 19002254, chỉ với 1 phút, người dùng đã mất ngay 20.000 đồng, như vậy, với số lượng thuê bao lớn như hiện nay ở Việt Nam, nếu chỉ 1 phần nhỏ trong số lượng ấy cùng gọi về thì số tiền thu về không hề nhỏ chút nào. 

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2014 và Triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT - yêu cầu Cục Viễn thông phải tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, giảm thuê bao ảo, SIM rác; tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc hoàn thiện và sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử về Chứng minh nhân dân, nhanh chóng hoàn thiện các quy định về kết nối giữa nhà mạng với CP, quy định chi tiết về đầu số, tỷ lệ phân chia giá cước.... đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp CP, hạn chế tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo...

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu nhà mạng phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP) đang hợp tác với mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng. Các nhà mạng  cần báo cáo Bộ TT&TT để theo dõi và có hình thức xử lý thích hợp.

Như vậy, với việc cung cấp những đầu số dịch vụ trên, không biết cơ quan quản lý cấp đầu số trên có nắm được việc cấp đầu số này có đúng với tiêu chí được đưa ra không? 

Đủ loại tin nhắn lừa đảo, quảng cáo... tấn công người dùng!

 


Tình trạng phát tán tin nhắn rác tràn lan gây bức xúc cho người tiêu dùng (hình minh họa)

Tình trạng phát tán tin nhắn rác tràn lan gây bức xúc cho người tiêu dùng (hình minh họa)

Không chỉ tái diễn với hình thức lừa đảo qua yêu cầu gọi lại, người dùng vẫn còn khá "đau đầu" với nhiều hình thức lừa đảo nhức nhối hơn. 

Theo anh Duy (TPHCM) cho biết: "Vừa qua, tôi có nhận được một tin nhắn lừa đảo với nội dung có vẻ là khá mới mẻ: Quý khách đã nhận được 3000 đồng thuê bao xxxx489 tửi tặng. Cảm ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ..."

Ngay sau đó, anh Duy lại liên tiếp nhận được tin nhắn thứ 2 với nội dung: "Em gửi nhầm số rồi, anh chị gì đó ơi có thể làm cho cho em xin lại số tiền 30 ngàn đồng mà em vừa gửi nhầm vào số điện thoại của anh chị có được không?" 

Theo anh Duy cho biết: "Về hình thức lừa đảo thì không mới nhưng nó biến đổi nội dung tin nhắn nhằm để móc tiền của người dùng. Do đó, cần tỉnh táo hơn với loại tin nhắn như thế này."

Trong khi đó, theo anh Quốc Dũng (TPHCM), ngán ngẩm nói: "Cứ một hai ngày là tôi nhận được 1, 2 tin nhắn chào bán nhà chung cư, nhà đất, căn hộ... Cứ đang làm việc thì lại nhận tin nhắn, xem xong chỉ biết tặc lưỡi, ngán ngẩm!"

Tuy nhiên cũng theo anh Dũng, mật độ tin nhắn lừa đảo ngày càng ít hơn trước đây nhiều, không còn cảnh ngày nào cũng nhận 2-3 thậm chí 5 tin nhắn lừa đảo, quảng cáo như trước.

Đồng quan điểm, theo một số người dùng được hỏi cho biết: "Tình trạng tin nhắn  rác, spam hiện đã đỡ hơn nhiều so với trước nhưng vẫn còn tái diễn liên tục. Mong muốn các nhà mạng hãy làm mọi cách chặn những tin nhắn rác, gây phiền đến người dùng."

Hiện tình trạng lừa đảo "yêu cầu gọi lại" đang tái diễn, người dùng cần chú ý và đề cao cảnh giác, tránh tiền mất tật mang. 

(Còn nữa)

Quốc Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm