Nhiều ông lớn ngành bán lẻ di động tại Việt Nam gặp khó
(Dân trí) - Thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn khi sức mua giảm mạnh. Dự kiến, tình hình này sẽ kéo dài đến giữa năm, thậm chí là cuối năm nay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa được Thế Giới Di Động công bố, lợi nhuận của công ty này đã đạt mức thấp kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Cụ thể, 5.763 cửa hàng thuộc chuỗi này (gồm Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, An Khang, AVA KIDs) chỉ lãi vỏn vẹn 21,2 tỷ đồng, tương ứng "bốc hơi" hơn 90%.
Giai đoạn quý I/2023 cũng là quý thứ hai liên tiếp công ty này cắt giảm lượng lớn nhân viên. Theo đó, số lượng nhân viên của Thế Giới Di Động đến cuối tháng 3 là 68.048 người, giảm khoảng 9.000 người trong 6 tháng qua.
"Chúng tôi chưa từng có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân viên. Tổng số lượng nhân sự của tập đoàn sụt giảm là hoàn toàn do biến động tự nhiên. Các năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút từ thời điểm cuối năm ngoái tới đầu năm nay khiến chúng tôi tạm ngừng tuyển dụng thay thế, đồng thời thực hiện sắp xếp lại các vị trí dựa vào doanh thu thực tế nên sẽ có sự sụt giảm", đại diện Thế Giới Di Động cho biết.
Trong năm 2023, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng 1% doanh thu lên mức 135.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 2% đạt 4.200 tỷ đồng. Tuy vậy, báo cáo mới nhất cho thấy đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được 1% kế hoạch năm.
Một ông lớn khác trong ngành bán lẻ là FPT Retail (với hai mảng kinh doanh chủ lực gồm ICT và dược phẩm) cũng ghi nhận doanh thu đi ngang. Cụ thể, doanh thu của chuỗi FPT Shop trong quý I/2023 đạt mức 4.513 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu lại ghi nhận doanh thu đạt 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ quý I/2022, tương đương mức thu hơn 36 tỷ đồng/ngày.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện truyền thông của FRT nhận định rằng tình hình chung của thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện tương đối khó khăn, sức mua giảm mạnh trong khi người dân siết chặt chi tiêu.
"Đối với mảng bán lẻ ICT, chúng tôi dự đoán tình hình khó khăn sẽ kéo dài ít nhất đến giữa năm hoặc thậm chí là cuối năm nay. Trong khi đó, chuỗi dược phẩm ít bị ảnh hưởng. Với FPT Shop, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nhóm sản phẩm gia dụng, bởi sau một thời gian thử nghiệm đã mang lại tín hiệu khá tốt. Trong năm tới, gia dụng sẽ tiếp tục là ngành hàng được hệ thống tập trung mở rộng", đại diện hệ thống FRT chia sẻ.
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, doanh số tại thị trường Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt dưới 2,5 triệu chiếc điện thoại di động, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Mỗi năm, thị trường tăng trưởng trung bình từ 5-15% trong điều kiện thuận lợi. Như vậy, mức thụt lùi này tương đương với 2-3 năm.
Smartphone tầm trung, giá rẻ luôn là phân khúc sôi động nhất trên thị trường. Tuy nhiên, phân khúc này cũng đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Theo chia sẻ từ một chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam, lượng khách hàng mua smartphone trong phân khúc này trong tháng 12/2022 chỉ bằng một nửa so với doanh số ở tháng 1/2022.
Bước sang đầu năm 2023, tình hình chung của thị trường lại càng trở nên ảm đạm. Một số hệ thống cho biết doanh số trong tháng 1 và tháng 2 chỉ đạt được khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, phân khúc di động cao cấp (đặc biệt là iPhone) cũng đang gặp không ít khó khăn do tình trạng thừa cung, khiến đại lý buộc phải cắt lỗ để thu hồi vốn.