Nhà mạng làm gì mà đợi "nước đến chân mới nhảy"?

(Dân trí) - Nhiều người dùng cho rằng, việc bổ sung thêm ảnh chân dung quá gấp gáp và thông tin chẳng rõ ràng. Kiểm tra bằng tin nhắn đều không biết được có hay không việc bổ sung tin nhắn.

Nhà mạng làm gì mà đợi nước đến chân mới nhảy
Nhà mạng làm gì mà đợi "nước đến chân mới nhảy"

Các nhà mạng gần đây đã nhắn tin đến người dùng khuyến nghị nên kiểm tra thông tin thuê bao và nộp ảnh chân dung đúng Nghị định 49 của Chính phủ. Một nhà mạng còn phát đi thông cáo cho biết, theo quy định của NĐ 49 sau ngày 24/04/2018 số thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin có khả năng sẽ bị khóa 1 chiều.

Chị Như Quỳnh, quận 1, TPHCM cho biết: "Mấy nay báo chí cứ đăng tải thông tin nói là nhà mạng đã gửi tin nhắn, trong khi mình chẳng nhận được tin nhắn nào. Không biết phải bổ sung hay không, tâm trạng cứ hoang mang".

Chị Quỳnh cho biết, SIM làm từ năm 2013, do Cha cô thực hiện đăng ký dùm nên chẳng biết có phải bổ sung hình ảnh chân dung không. Các thông tin cũng không rõ ràng, nói là SIM sau ngày 24/4/2017 mới bổ sung?

Anh Thanh Phúc cũng cho biết tương tự, đã nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu kiểm tra thông tin, nếu thiếu phải bổ sung. Nhưng khi nhắn tin tới kiểm tra thông tin thuê bao thì chỉ biết tên, tuổi đã đăng ký. Trong khi không có thêm bất cứ thông tin nào yêu cầu phải bổ sung ảnh.

Cả anh Phúc và chị Quỳnh đều nói rằng, tin nhắn nhà mạng nhắn đến đều không rõ ràng, không có bất cứ thời điểm nào là hạn chót phải bổ sung.

Bức xúc hơn, chị H. Nhi, quận 1, TPHCM cho biết, theo quy định của Nghị định này là trong 12 tháng nhà mạng phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình. Vậy sao 12 tháng qua, mấy nhà mạng này làm gì mà tới ngày cuối cùng mới dí khách hàng bổ sung? Trong khi vài tháng trước không làm việc này! "Nếu không làm thì bị khóa thì có công bằng không". Chị này đặt vấn đề.

Trước vấn đề trên, một nhà mạng lớn cho biết rất mong nhận được sự hợp tác và thông cảm từ phía khách hàng. Nhà mạng này nói rằng, việc việc bổ sung thêm thông tin theo quy định của Chính Phủ nhằm bảo vệ quyền lợi số thuê bao của khách hàng trong một số trường hợp nhất định. Nhưng thực tế, việc làm quá gấp gáp như vậy có đáng để thông cảm không?

Thiết nghĩ, sau câu chuyện này, các nhà mạng cần có lộ trình rõ ràng hơn để không làm phiền lòng người tiêu dùng trong những chính sách sau này. Đồng thời, nhiều người dùng cũng đưa gợi ý, nhà mạng nên áp dụng CNTT vào để người dùng tiện hơn trong việc bổ sung, tránh phải di chuyển và tốn quá nhiều thời gian, bỏ lỡ các công việc.

"Thời đại này, công nghệ thông tin đã phát triển rồi, nhà mạng cần nên đưa CNTT vào để giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc cập nhật thông tin. Vừa giải quyết được bài toán tiết kiệm chi phí, nhân lực mà không phải hành khách hàng". Chị Nhi nói thêm.

Thông tin người dùng bổ sung, nhà mạng phải bảo mật tuyệt đối:

Theo Điểm 10 của Nghị định này, thông tin thuê bao mà người dân cung cấp chỉ được sử dụng cho các mục đích cụ thể sau: Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.

Ngoài những mục đích trên, thông tin thuê bao di động đều phải được bảo mật tuyệt đối. Nhà mạng không được tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nếu tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Sẽ phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng về hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh đó, Nghị định 49 quy định nhà mạng còn phải thực hiện đầy đủ việc đối chứng thông tin và hoàn tất giao kết hợp đồng theo quy định. Nếu chấp nhận thông tin thuê bao di động do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền; Không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước; Không thực hiện ủy quyền việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này; thì bị phạt nặng từ 80 đến 100 triệu đồng.

Gia Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm