Nhà mạng đồng loạt dừng hợp tác với đối tác "bẫy" khách hàng

(Dân trí) - Trước phản ánh của khách hàng về việc nhà mạng tự động kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng, các nhà mạng lớn gồm Vinaphone, Viettel, MobiFone đều đã rà soát và tạm ngừng hợp tác với đối tác có vi phạm quy định cung cấp dịch vụ nội dung.

14448847-10205290232975038-1155006525496214763-n-1474909940504

Dù nhắn tin hủy nhưng kiểm tra lại vẫn còn đang sử dụng dịch vụ

Dừng hợp tác

VinaPhone vừa công bố đã tạm dừng hợp tác không xác định thời hạn với cả 3 đối tác của Sam Media và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh của khách hàng về việc đăng ký các dịch vụ không mong muốn.

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc xử phạt Công ty Sam Media, VinaPhone quyết định tạm dừng hợp tác với cả 3 đối tác hợp tác của Sam Media là Gapit, Acom, VMG để điều tra làm rõ những vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ.

Nhà mạng này cũng nhanh chóng thiết lập đường dây nóng qua Tổng đài 9191 để tiếp nhận và xử lý ngay các phản ánh từ khách hàng về việc đăng ký dịch vụ không mong muốn.

“VinaPhone cũng khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng miễn phí My VinaPhone để tra cứu thông tin thuê bao, tình trạng cước sử dụng, nạp tiền, thanh toán cước, cung cấp danh sách các dịch vụ GTGT hay các tin tức khuyến mại khác của nhà mạng’, đại điện nhà mạng cho biết.

Tương tự, MobiFone cho biết, mạng này đã dừng hợp đồng cung cấp các dịch vụ nội dung trên mạng MobiFone với các đối tác có vi phạm quy định cung cấp dịch vụ nội dung.

Đối với các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, MobiFone đã triển khai nhắn tin thông báo cho tất cả các khách hàng về việc dừng cung cấp các dịch vụ này.

“MobiFone khuyến cáo khách hàng kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng của MobiFone đang sử dụng bằng cách soạn tin nhắn KT gửi 994. Khách hàng có thể trực tiếp phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng các dịch vụ thông qua đường dây nóng 18001090. MobiFone luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”, thông báo của MobiFone nêu.

Mạng di động quân đội Viettel thông tin, ngay sau khi sai phạm của Công ty SAM Media được phát hiện, mạng này đã quyết định dừng mọi hợp tác với công ty ACOM (công ty cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam).

Đồng thời, Viettel đã lập tức nhắn tin đề nghị khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ACOM đăng ký lại nếu vẫn có nhu cầu, tất cả các khách hàng không nhắn tin xác nhận đồng ý sử dụng tiếp, Viettel sẽ hủy dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, hiện nay Viettel đã cung cấp công cụ để khách hàng có thể kiểm soát và quản lý dịch vụ VAS cho toàn bộ người dùng. Chỉ cần nhắn tin TC gửi 1228, khách hàng có thể tra cứu được các dịch vụ đang sử dụng, giá cước kèm cú pháp hủy để khách hàng chủ động lựa chọn các dịch vụ phù hợp.

Bao giờ mới hết tình trạng "âm thầm" cài đặt dịch vụ giá trị gia tăng?

Vừa qua, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội đã xử phạt công ty Sam Media 55 triệu đồng vì các vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ nội dung.

Cụ thể, Sam Media kí kết với 3 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn, mời người dùng tham gia các dịch vụ quảng cáo, trúng thưởng do Sam Media cung cấp.

Sau đó nếu người dùng không gửi tin nhắn từ chối các quảng cáo tự động này, sẽ tiếp tục bị trừ tiền trong tài khoản.

Theo kết quả thanh tra của Sở TT&TT Hà Nội, từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016, khách hàng của 4 nhà mạng mạng ở Việt Nam phải chi trả số tiền gần 230,5 tỷ đồng cho các dịch vụ mà Sam Media cung cấp. Tính đến thời điểm ngày 19/7/2016, có đến 93.735 thuê bao đã sử dụng dịch vụ này.

Hầu hết người dùng khi được hỏi đều không hề biết đang sử dụng dịch vụ của Sam Media và các đối tác của họ. Nhiều người nghĩ rằng đây là tin nhắn rác mà không hề hay biết nó là tin nhắn dịch vụ mất tiền.

Sau những sai phạm bị phanh phui, chiếm đoạt của khách hàng 230,5 tỷ đồng, Sở TT&TT Hà Nội đã quyết định xử phạt Sam Media với số tiền 55 triệu đồng.

Như vậy, với số tiền phạt chỉ 55 triệu đồng, khi so với con số 230,5 tỷ đồng trục lợi từ việc bòn rút khách hàng, cho thấy chế tài xử phạt còn quá nhẹ đối với vi phạm này.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt nghi vấn cho việc bắt tay giữa các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ để móc túi người dùng. Con số 230,5 tỷ đồng sẽ chảy về túi của những đơn vị này. Nếu không có sự tiếp tay của các đối tác, các nhà mạng thì làm sao một đơn vị như Sam Media có thể dễ dàng chiếm đoạt số tiền của khách hàng?

Trước đó, Dân trí cũng đã đưa tin, đã nhiều lần, Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chỉ được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khi có được sự đồng ý, xác nhận của khách hàng, trừ cước đúng chu kỳ và bảo đảm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin không được tác động đến hoạt động đăng ký và trừ cước của thuê bao.

Tuy nhiên, qua nhiều sự việc đang diễn ra, thực tế diễn ra đang đi ngược lại chỉ đạo của Bộ TT&TT. Dường như, lợi nhuận từ việc "bẫy khách hàng" quá lớn hay các chế tài đối với doanh nghiệp viễn thông chưa đủ tính răn đe nên các dịch vụ này vẫn tiếp tục hoành hành?

Nhẩm tính, chỉ phạt 55 triệu đồng, trong khi trục lợi đến 230,5 tỷ đồng, thì tiền phạt chỉ là con số nhỏ bé so với lợi nhuận mang đến. Vậy nên, người dùng sẽ còn tiếp tục lo lắng và không biết bao giờ sẽ xuất hiện thêm một trường hợp tương tự như vậy xảy ra?

Do đó, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu và làm trong sạch thị trường dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảo Khánh - Gia Hưng