Nhà mạng đã sẵn sàng triển khai dịch vụ 4G
(Dân trí) - Các nhà mạng nội địa đã sẵn sàng cho quá trình triển khai 4G với mức giá khá thấp tại Việt Nam. Dự kiến, 4G được cung cấp tại các thành phố lớn.
Cụ thể, nhà mạng này đang thử nghiệm 4G và dự kiến ra mắt dịch vụ 4G/LTE đầu tiên vào cuối năm 2015. Viettel cũng đã trình lên Bộ xem xét quy hoạch tần số 700 MHz cho 4G. Băng tần này có vùng phủ tốt hơn, rộng khắp trên toàn quốc. Đồng thời, sự đầu tư giảm (do đây là băng tần dôi dư từ việc số hóa truyền hình) nên doanh nghiệp có điều kiện giảm giá dịch vụ cung cấp cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn.
Tại thị trường nước ngoài, ở các nước đủ điều kiện và cho cấp phép 4G cũng sẽ được Viettel triển khai trong năm 2015. Trước mắt, quý II/2015 sẽ triển khai 4G tại các khu vực tập trung đông người như Trung tâm thương mại, văn hóa, du lịch… ở Lào và Campuchia.
Các nhà mạng đã sẵn sàng cho quá trình triển khai 4G tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, nhà mạng này cũng đưa ra trở ngại trong vấn đề phát triển 4G đó là giá thành các thiết bị 4G đầu cuối dành cho người tiêu dùng còn cao; ít sự lựa chọn cho người tiêu dùng. “Theo đánh giá của Viettel, để phổ cập được thì giá thành thiết bị tối thiểu phải đạt dưới 100$. Trong khi đó, mức giá thiết bị di động hỗ trợ 4G rẻ nhất ở thời điểm hiện tại đang dao động từ 120-150$/thiết bị”, vị đại diện nói.
Đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho 4G. Với số lượng khách hàng thuê bao đạt ngưỡng 5 triệu, MobiFone khẳng định nhóm khách hàng này sẽ dễ dàng chấp nhận chi trả cho dịch vụ 4G với mức chi phí hợp lý.
Lãnh đạo VinaPhone cũng chia sẻ, với lợi thế hạ tầng mạng cáp, mạng cố định, nhân lực của VNPT rộng khắp cả nước, hiện VinaPhone đã sẵn sàng cho 4G và hoàn toàn có thể đáp ứng được khi nhu cầu của khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốc độ cao.
Phát biểu tại hội thảo bàn về tương lai của di động băng rộng ở Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, một số ý kiến chuyên gia đưa ra thực tế, hiện nay các nhà mạng vẫn đang mở rộng 3G, trong khi đầu năm 2016 triển khai 4G. Điều này đồng nghĩa với tình trạng nhà mạng vừa có 2G, vừa có 3G, vừa có 4G. Đi theo đó sẽ là mô hình kinh doanh dàn trải với những công nghệ khác nhau trên cùng mạng lưới: 2G sẽ dành cho dịch thụ thoại, 3G sẽ dành cho dịch vụ dữ liệu cơ bản và 4G dành cho dịch vụ tốc độ cao. Đây sẽ là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với các nhà mạng
Nhận định về khả năng phát triển băng rộng tại Việt Nam, bà Suvi Lenden Đặc phái viên của Ủy ban Vô tuyến Băng rộng của Liên hiệp quốc nhận định rằng, giá dịch vụ băng rộng di động trên thế giới vẫn còn quá cao, trong khi trên lý thuyết, nó không nên vượt quá 5% thu nhập bình quân hàng tháng của người dùng.
Theo bà Suvi Lenden dựa theo thống kê được công bố, năm 2014 bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam đạt 2.028 USD/năm tương đương 169 USD/tháng thì mức thu cước dịch vụ di động băng rộng chỉ nên ở mức tương đương khoảng 170.000 đồng/tháng.
Tính toán của bà Suvi Lenden đã tạo ra nhiều bàn luận trái chiều. Tuy nhiên, đại diện của cả 3 nhà mạng lớn nhất tại Việt Nam là : Viettel, VinaPhone và MobiFone đều khẳng định hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ di động băng rộng với mức giá dưới 5% như bà Suvi Lenden kiến nghị. 3 nhà mạng nội địa cũng đưa ra dự kiến sẽ cung cấp 4G tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Mạng 4G sẽ cung cấp cho khách hàng tốc độ truy cập các dịch vụ gấp 3-5 lần so với tốc độ mạng 3G hiện tại. 4G sẽ đáp ứng tốt những ứng dụng CNTT về giao thông, y tế, giáo dục…vào cuộc sống hàng ngày của người dân.
Thanh Trầm