Người dùng than phiền điện thoại Oppo, Realme tràn lan ứng dụng rác
(Dân trí) - Nhiều người dùng điện thoại Oppo và Realme cho biết thiết bị của họ đã được cài sẵn rất nhiều ứng dụng ngay từ khi bóc hộp. Thậm chí, nhiều phần mềm trong số đó còn không thể gỡ cài đặt.
Giữa tháng 1, hai nhà sản xuất smartphone Oppo và Realme đã vướng phải bê bối liên quan đến ứng dụng vay tiền trái phép tại thị trường Thái Lan, trong đó có một số cái tên như Happiness Loan và Fineasy.
Đây đều là những ứng dụng do nhà sản xuất tích hợp sẵn trên thiết bị.
![Người dùng than phiền điện thoại Oppo, Realme tràn lan ứng dụng rác - 1 Người dùng than phiền điện thoại Oppo, Realme tràn lan ứng dụng rác - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/0UmzJjTXG4JxxSV_VgX80ZRFlJI=/thumb_w/1020/2025/01/26/ung-dung-fineasy-theanh-crop-1737906638507.jpeg)
Ứng dụng Fineasy trên một chiếc điện thoại Oppo bán ra tại Việt Nam (Ảnh: Lê Trọng).
Đáng nói, ứng dụng Fineasy cũng được cài đặt sẵn trên nhiều mẫu điện thoại của Oppo và Realme bán ra tại thị trường Việt Nam. Phần mềm này được cài đặt dưới dạng ứng dụng hệ thống và người dùng không thể gỡ cài đặt bằng các cách thông thường.
"Trên chiếc Oppo Find X8 Pro của tôi, máy có sẵn ứng dụng Fineasy. Ứng dụng này được cài đặt giống như ứng dụng hệ thống và không thể gỡ được", tài khoản Tài Nguyễn chia sẻ trong một nhóm người dùng điện thoại Oppo trên Facebook với hơn 60.000 thành viên.
"Tôi không hề truy cập ứng dụng Fineasy nhưng phần mềm này vẫn thường xuyên hiển thị thông báo, thậm chí còn gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại", tài khoản Ngô Tú cho biết.
Bên cạnh ứng dụng Fineasy, các sản phẩm đến từ hai nhà sản xuất smartphone Oppo và Realme cũng bị rất nhiều người dùng tại Việt Nam phàn nàn về việc chúng đã cài đặt sẵn quá nhiều ứng dụng rác.
Đơn cử, ngay khi bóc hộp chiếc Oppo Reno13 5G, thiết bị này đã được cài đặt sẵn gần 30 ứng dụng và phần mềm khác nhau. Những ứng dụng này bao gồm mạng xã hội, phần mềm đọc tin tức, ứng dụng mua sắm thương mại điện tử và nhiều trò chơi khác.
"Ngay khi mua máy và mở lên, tôi đã phải xóa đi hàng chục ứng dụng rác khác nhau. Rất nhiều ứng dụng và trò chơi đã cài đặt sẵn trên máy mà tôi không hề có nhu cầu sử dụng", tài khoản Huy Nguyễn chia sẻ.
Theo MakeUseOf, việc bán phần cứng smartphone không phải là nguồn lợi nhuận duy nhất của những thương hiệu điện thoại Trung Quốc. Một nguồn doanh thu quan trọng khác đến từ hoạt động quảng cáo.
Cụ thể, các nhà sản xuất smartphone sẽ cố gắng mở rộng thị trường và gia tăng độ phủ bằng cách giảm giá bán thiết bị. Để bù lại biên lợi nhuận trên, họ sẽ hợp tác với các đơn vị phát triển phần mềm và tích hợp những ứng dụng của bên thứ ba lên thiết bị.
![Người dùng than phiền điện thoại Oppo, Realme tràn lan ứng dụng rác - 2 Người dùng than phiền điện thoại Oppo, Realme tràn lan ứng dụng rác - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/yEqzCIfvCUu1zlUuuXSfJV3dnzY=/thumb_w/1020/2025/01/02/oppo-reno13-5g-theanh-14-1735803210538.jpg)
Những chiếc điện thoại của Oppo và Realme được cài đặt sẵn rất nhiều ứng dụng ngay từ khi mở máy (Ảnh: Thế Anh).
Những ứng dụng được các nhà sản xuất cài đặt sẵn có thể là trò chơi điện tử, ứng dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng tài chính. Tùy theo từng khu vực và thị trường, những ứng dụng được cài đặt sẵn trên thiết bị có thể sẽ khác nhau.
Đối với vụ bê bối tại Thái Lan, Happiness Loan là ứng dụng cho vay nặng lãi trên điện thoại. Ứng dụng này được xếp vào dạng mặc định, có sẵn từ lúc bóc hộp và không thể gỡ bỏ. Trong khi đó, ứng dụng Happiness Loan hoàn toàn không có mặt tại thị trường Việt Nam.
"Đối với ứng dụng Fineasy, phần mềm hiện được cài đặt sẵn và không thể gỡ bỏ. Ứng dụng này tích hợp các tính năng như nạp tiền điện thoại, thẻ ra vào và các dịch vụ giảm giá thương mại điện tử.
Hiện tại, tất cả các nội dung liên quan đến quảng cáo cho vay xuất hiện trong ứng dụng Fineasy (như đối với thị trường Thái Lan) cũng không có trên các điện thoại Oppo tại Việt Nam", đại diện Oppo Việt Nam chia sẻ.
Phóng viên Dân trí cũng đã liên hệ với đại diện Realme tại thị trường Việt Nam để trao đổi thông tin. Đại diện Realme Việt Nam cho biết hãng đã ghi nhận thông tin sự việc, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào.
Oppo là thương hiệu Trung Quốc có thị phần lớn tại thị trường di động Việt Nam. Quý II/2024, thương hiệu này đã lần đầu tiên vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Sản lượng smartphone bán ra của Oppo chiếm 27% thị trường.
Realme là thương hiệu con của Oppo cho đến khi tách ra vào năm 2018, sau đó trở thành một thương hiệu riêng thuộc tập đoàn đa quốc gia BBK Electronics.