Người đầu tiên được cấy chip não đã có thể dùng mạng xã hội bằng ý nghĩ

T.Thủy

(Dân trí) - Nolan Arbaugh, người đầu tiên được cấy chip não được phát triển bởi công ty Neuralink của Elon Musk, đã có thể đăng bài lên mạng xã hội X chỉ bằng ý nghĩ của mình.

Như Dân trí đã đưa tin, Nolan Arbaugh, 29 tuổi, là người đầu tiên trên thế giới được cấy chip vào não. Con chip được cấy vào não của Nolan phát triển bởi Neuralink, công ty công nghệ thần kinh học được Elon Musk thành lập vào năm 2016.

Nolan Arbaugh đã bị liệt toàn thân sau một tai nạn nghiêm trọng cách đây 8 năm. Hiện anh chỉ có thể cử động phần cổ và đầu. Tuy nhiên, sau khi Nolan được cấy vào não con chip của Neuralink bằng một ca phẫu thuật hôm 30/1 vừa qua, hiện Nolan đã có thể điều khiển con trỏ chuột trên máy tính chỉ bằng cách suy nghĩ và thậm chí có thể chơi game trên laptop nhiều giờ liên tục.

Không chỉ chơi game trên máy tính, Nolan Arbaugh - người đầu tiên được cấy ghép chip não của Neuralink - đã có thể đăng bài lên mạng xã hội chỉ bằng ý nghĩ (Ảnh: Neuralink).

Không chỉ chơi game trên máy tính, Nolan Arbaugh - người đầu tiên được cấy ghép chip não của Neuralink - đã có thể đăng bài lên mạng xã hội chỉ bằng ý nghĩ (Ảnh: Neuralink).

Mới đây, Nolan Arbaugh tiếp tục đạt được một bước tiến mới khi anh đã có thể đăng bài lên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) chỉ bằng ý nghĩ của mình.

"Twitter đã khóa tài khoản của tôi vì họ nghĩ rằng tôi là bot (phần mềm tự động đăng bài trên mạng xã hội). X và Elon Musk đã khôi phục tài khoản này vì họ biết đó chính là tôi", Nolan Arbaugh viết trên trang Twitter cá nhân của mình.

Elon Musk sau đó cũng đã chia sẻ lại bài đăng của Nolan Arbaugh trên trang X cá nhân, kèm theo bình luận: "Đoạn thông điệp đầu tiên trên X được tạo ra chỉ bằng cách suy nghĩ, sử dụng thiết bị thần giao cách cảm của Neuralink".

Công ty Neuralink cũng đã chia sẻ lại đoạn thông điệp của Nolan Arbaugh, kèm theo lời bình luận: "Một bước đột phá cho người bị liệt".

Con chip được ghép vào não của Nolan Arbaugh được đặt tên gọi "Telepathy" (Thần giao cách cảm), cho phép những người bị liệt có thể điều khiển con trỏ máy tính bằng suy nghĩ, nhưng trong tương lai, mục tiêu của Neuralink đó là giúp điều trị cho những người bị mất trí nhớ hoặc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khác.

"Ca phẫu thuật diễn ra rất nhanh chóng và nhẹ nhàng. Tôi đã được xuất viện chỉ sau một ngày và không gặp phải bất kỳ vấn đề nào về nhận thức", Nolan Arbaugh chia sẻ lại về ca phẫu thuật cấy ghép chip não hồi tháng 1 vừa qua. Ca phẫu thuật này được thực hiện tự động bởi các cánh tay robot.

Sau ca cấy ghép chip vào não đầu tiên và đạt được những tín hiệu khả quan, Neuralink vẫn đang tiếp tục chấp nhận đơn đăng ký tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng trên người, dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 6 năm.

Neuralink đang tìm kiếm những người bị liệt tứ chi hoặc mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một chứng khuyết tật ảnh hưởng đến khả năng cử động của người bệnh, để tiến hành cấy ghép chip vào não.

Những thành quả bước đầu của chip do Neuralink phát triển đã mở ra những tín hiệu khả quan trong quá trình điều trị các căn bệnh liên quan đến thần kinh do bẩm sinh hoặc do tai nạn.

Tuy nhiên, con chip của Neuralink vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học khi nhiều người cho rằng việc cấy ghép chip vào bên trong não người là một vấn đề vi phạm về đạo đức.

Bất chấp những tranh cãi của giới khoa học và công nghệ, Elon Musk cho biết mục đích cuối cùng của Neuralink đó là giúp tăng cường trí thông minh của con người, giúp nhân loại sẵn sàng đối phó với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và để con người không bị máy móc bỏ lại phía sau.

Theo NDTV/IE