Người dân có cơ hội sáng tác Biểu trưng "Chuyển đổi số quốc gia"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép mỗi người dân có thể góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Người dân có cơ hội sáng tác Biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia - 1

Bộ TT&TT kêu gọi người dân trực tiếp góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Chiều 5/7 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) "Chuyển đổi số quốc gia".

Đây là sáng kiến được Bộ TT&TT đưa ra với mục tiêu góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo, với đối tượng dự thi là bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan cả trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc thi, là để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tìm hiểu, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước.

Yêu cầu được đặt ra đó là logo phải gắn với dòng chữ "Chuyển đổi số quốc gia", nhằm phản ánh được quá trình chuyển đổi số có sự tham gia, vào cuộc và tác động tới tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Ngoài ra, Thứ trưởng Dũng gợi ý logo phải gắn với chuyển đổi số, và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, và động lực chính, bởi "thực chất thì người dân, doanh nghiệp cũng phải có sự vào cuộc để có được quá trình chuyển đổi số thành công".

Người dân có cơ hội sáng tác Biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia - 2

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, nhấn mạnh vai trò gắn với chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Về yêu cầu kỹ thuật, logo có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, logo cũng phải đạt được những yêu cầu về vẽ thiết kế như: đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa...)

Theo đại diện của Ban tổ chức, mỗi tác giả được gửi từ 1 đến tối đa 5 tác phẩm tham gia cuộc thi. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 5/7 đến 5/9. Thời gian chọn và chấm giải thưởng từ ngày 6/9 - 10/9. Giải thưởng được trao trong tháng 9/2022.

Tác giả có thể gửi hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn), hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT.

Được biết, bên cạnh giấy chứng nhận của Bộ TT&TT, tác giả, đơn vị đạt giải còn được thưởng 100 triệu đồng.